Ẩn họa khôn lường từ việc dùng kháng sinh vô tội vạ
Kinhte&Xahoi
Kháng kháng sinh hiện được đánh giá là một trong những mối đe dọa lớn nhất tới sức khỏe, an ninh lương thực cũng như sự phát triển của thế giới.
Việc dùng kháng sinh vô tội vạ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường là kháng kháng sinh.
Vấn nạn này có thể tác động đến mọi đối tượng, mọi độ tuổi và ở bất kỳ quốc gia nào. Tình trạng kháng kháng sinh có thể xảy ra tự nhiên nhưng việc lạm dụng thuốc ở con người được xác định là nguyên nhân khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Những cái chết gây sốc
Cuối năm 2012, Meredith Littlejohn đang là một học sinh trung học ở St. Louis (bang Missouri, Mỹ) với hoài bão được vào đại học và một tương lai tươi sáng. Tai họa bắt đầu đổ xuống vào cuối tháng 12 năm đó, Littlejohn được chẩn đoán là mắc bệnh bạch cầu tủy bào cấp tính - một bệnh ung thư dòng tủy của các tế bào máu.
Không nản lòng, cô bé bước vào quá trình điều trị đầy đau đớn. Sau 4 đợt hóa trị, căn bệnh ung thư của cô đã thuyên giảm, nhiều người lạc quan rằng Littlejohn sẽ có thể tiếp tục con đường của mình. Cô bé đã có thể tham dự vũ hội năm cuối cấp, lấy được bằng tốt nghiệp vào mùa xuân năm 2013 và bắt đầu lên kế hoạch cho năm thứ nhất đại học.
Tuy nhiên, căn bệnh ung thư đã quay trở lại vào tháng 6/2013. Sau nhiều đợt hóa trị hơn, hệ thống miễn dịch của Meredith ngày càng bị tổn thương. Đến tháng 8 năm đó, cô bé bị nhiễm nấm Candida. Sau khi thử nhiều loại thuốc khác nhau, các bác sĩ mới có thể kiểm soát tình trạng bệnh của cô. Mọi việc chưa dừng lại ở đó, đến tháng 9, các bác sĩ tiếp tục phát hiện dưới tay của Littlejohn đã bị nhiễm trùng khuẩn Pseudomonas.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao.
Trực khuẩn mủ xanh là mầm bệnh phổ biến trong bệnh viện, có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt và gây nhiễm trùng nặng. Vi khuẩn này ngày càng trở nên kháng thuốc và chống lại nhiều loại kháng sinh khác nhau. Trong trường hợp của Littlejohn, tình trạng nhiễm trùng Pseudomonas đã không đáp ứng với một số loại kháng sinh mới hơn.
Các bác sĩ khi đó đã chuẩn bị sử dụng colistin - một loại kháng sinh được xem như giải pháp cuối cùng trong các phác đồ điều trị, cực kỳ độc hại đối với thận. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng Pseudomonas vẫn tồn tại và bắt đầu lan rộng. Ngay cả colistin cũng không giúp được gì. Đầu tiên, nhiễm trùng xâm lấn vào phổi của cô bé, sau đó là máu của cô, gây sốc nhiễm khuẩn. Khi Littlejohn lần đầu gặp phải tình trạng này, các bác sĩ đã hồi sức thành công cho cô bé.
Song, ngay trong ngày hôm sau, Littlejohn tiếp tục gặp phải tình trạng này và đến khi cô bé bị sốc nhiễm khuẩn lần thứ 3, các bác sĩ đã không thể cứu được em. Meredith Littlejohn qua đời vào tháng 11/2013, khi mới chỉ 19 tuổi.
“Phép màu” không còn kỳ diệu
Năm 1928, Alexander Fleming phát hiện ra kháng sinh Penicilin, mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại, giúp chữa lành và cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh đang đóng vai trò như loại thuốc trụ cột của nền y học hiện đại. Nó không chỉ giúp chúng ta chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, mà còn là các nhiễm trùng thông thường và phổ biến hơn như viêm tai mũi họng, viêm phế quản, nhiễm trùng da, đường tiết niệu...
Kỷ nguyên vàng của việc sản xuất thuốc kháng sinh diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1940 và đến những năm 1960. Trong thời gian này, nhiều nhóm kháng sinh đã được phát triển như penicillin, cephalosporin, fluoroquinolones và tetracycline, đưa lại những tiến bộ chưa từng có trong chăm sóc y tế. Kháng sinh không chỉ được dùng để dự phòng và điều trị bệnh nhiễm khuẩn còn được dùng trong phòng các bệnh gây hại đối với cây trồng và vật nuôi.
Tuy nhiên, trong 30 năm qua, thị trường sản xuất thuốc kháng sinh đã chậm lại đáng kể do các công ty dược phẩm, các học viện và chính phủ không đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu và phát triển kháng sinh. Trong khi đó, tình trạng kháng thuốc lại trở nên ngày càng nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng sinh trưởng với sự hiện diện của một loại thuốc mà thông thường có thể giết chết hoạc hạn chế sự phát triển của chúng.
Kết quả là các liệu pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả. Nhiễm trùng do đó trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ tử vong cao hơn. Do kháng kháng sinh nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bệnh do thực phẩm gây nên càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được.
Đó là lý do mà các chuyên gia y tế từ nhiều năm nay cảnh báo rằng nhân loại đang tiến đến một thời kỳ hậu kháng sinh, là thời điểm các loại thuốc kháng sinh trở nên vô dụng, mọi vi khuẩn đều có thể biến thành siêu vi khuẩn, làm suy giảm sức khỏe của con người. Nguyên nhân của tình trạng kháng thuốc ngoài yếu tố tự nhiên chủ yếu là do việc lạm dụng thuốc kháng sinh, bao gồm cả việc kê đơn để điều trị các chứng nhiễm trùng nhẹ, chưa cần phải dùng đến kháng sinh.
Bên cạnh đó, một số bệnh mắc phải do virus như cảm cúm, viêm phế quản và một số bệnh nhiễm trùng tai, xoang thường bị kê kháng sinh không đúng cách. Theo một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), 1/3 các trường hợp được kê đơn kháng sinh tại các phòng cấp cứu và phòng khám ở nước này là không cần thiết.
Việc sử dụng kháng sinh trong những trường hợp này không những khó chữa khỏi nhiễm trùng, viêm mà còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác; ví dụ như tiêu diệt các vi khuẩn có lợi hoặc ít nhất là không gây bệnh. Điều này tạo điều kiện thúc đẩy các đặc tính kháng kháng sinh ở các vi khuẩn vô hại có thể chia sẻ với các loại vi khuẩn khác hoặc tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại sinh sôi phát triển, lấn át vi khuẩn có lợi.
Việc tự ý dùng thuốc bằng cách dùng thuốc kháng sinh có sẵn mà không cần toa; không tuân thủ chế độ điều trị, sử dụng không đúng liều hoặc sử dụng quá lâu thuốc kháng sinh; sử dụng phải kháng sinh giả hoặc không đạt tiêu chuẩn, chứa quá ít hoặc không có hoạt chất kháng khuẩn; nhiễm trùng và kiểm soát phòng ngừa kém trong môi trường chăm sóc sức khỏe; lạm dụng kháng sinh trong điều trị cho động vật và chăn nuôi tại nhà máy; tiêu thụ các sản phẩm thịt từ động vật được cho dùng thuốc kháng sinh... cũng là các yếu tố khiến tình trạng kháng kháng sinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Đến lúc này, những loại thuốc kháng sinh từng được xem như “phép màu” đối với con người sẽ không còn phát huy được sự kỳ diệu trong quá trình chữa trị bệnh tật, cứu sống con người. Các ước tính cho hay, mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 700.000 người thiệt mạng do kháng thuốc. Đến năm 2050, con số này được cảnh báo có thể sẽ tăng lên đến 10 triệu người.
Khi đó, những bệnh nhiễm trùng vốn được điều trị dễ dàng trong thế kỷ 20 có thể quay lại giết chết nhiều người hơn cả các bệnh ung thư. Năm 2016, giới chức y tế Mỹ thông báo đã lần đầu tiên phát hiện vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh. Chủng vi khuẩn này được phát hiện trong nước tiểu của một phụ nữ 49 tuổi ở bang Pennsylvania.
Hà Lê - Pháp luật Plus