Hiện trường một vụ tai nạn do say xỉn.
Con số biết nói
Bia rượu từ lâu đã trở thành một trong những vấn nạn đáng báo động của người Việt.
Theo thống kê, trong một năm, trung bình mỗi nam giới ở Việt Nam tiêu thụ khoảng 27,4 lít cồn. Rượu bia là nguyên nhân gây ra 7 loại ung thư và 200 bệnh tật khác cho người Việt.
Một trong những hậu quả nặng nề và đáng tiếc nhất chính là những con số về tai nạn giao thông, tai nạn do ẩu đả liên quan đến rượu bia… Chỉ tính trong năm 2020, 40% số vụ tai nạn giao thông trên cả nước có liên quan đến rượu bia.
Một trong những thời điểm người Việt tiêu thụ rượu bia nhiều nhất có thể kể đến dịp Tết Nguyên đán. Cứ sau mỗi một dịp nghỉ Tết Nguyên đán, con số tai nạn do bia rượu lại tăng đến mức chóng mặt.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2020, cả nước có hơn 30.000 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 17,8% so với cùng kỳ Tết 2019.
Tuy nhiên có tới hơn 12.000 ca phải nhập viện điều trị, tăng 4,3% so với Tết 2019 và đã có 136 trường hợp tử vong, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn 9 ca so với cùng kỳ Tết 2019.
Về tai nạn đánh nhau, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, 3 ngày Tết (từ 29 đến hết mùng 2 Tết) năm 2020 đã có 1.660 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, trong số đó 1.213 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 5 trường hợp tử vong.
Trong 6 ngày nghỉ Tết 2020, có hơn 3.500 ca đến bệnh viện cấp cứu, trong đó 2.622 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 6 trường hợp tử vong, nhiều hơn 6 ca so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi.
So với Tết năm 2019, số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 23,1% nhưng số ca phải nhập viện tăng 18%.
Năm 2020, Nghị định số 100/2019 ra đời với mức phạt tăng nặng đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.
Đồng thời, những chiến dịch ra quân sát sao của cơ quan chức năng, xử phạt mạnh tay đã giúp giảm đi đáng kể tình trạng nhậu nhẹt, uống bia khi say xỉn.
Bia rượu quá đà tạo ra biết bao bi kịch.
Tuy nhiên, con số dù có giảm, nhưng vẫn mang tính thời điểm. Sau những cuộc ra quân rầm rộ, giờ đây, tình trạng lạm dụng bia rượu đã bắt đầu quay trở lại.
Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, đón Tết Nguyên đán, người ta bắt đầu chứng kiến những bữa tiệc say sưa tràn lan dưới danh nghĩa “tất niên”, từ lề đường hè phố cho đến nhà hàng sang trọng.
Để rồi, những hậu quả từ rượu bia ngày Tết nói riêng và trong cuộc sống hàng ngày nói chung vẫn gây nhức nhối.
Thời gian gần đây, trường hợp đột quỵ trên bàn nhậu hoặc sau khi nhậu tăng đột biến đã cho thấy một nguy cơ khác của việc bia rượu quá đà.
Đáng nói, độ tuổi đột quỵ ngày một trẻ hóa, trong đó có phần nhiều nguyên nhân từ thói quen sinh hoạt bừa bãi, thiếu lành mạnh, lạm dụng chất kích thích, bia rượu… Ngày Tết đang đến gần, trong niềm vui đón Tết rộn ràng, đây đó vẫn là nỗi lo nhói lòng của người thân những “ma men”.
Những bi kịch từ bàn nhậu
Đã có không biết bao nhiêu gia đình, bao số phận thay đổi, bất hạnh ập đến chỉ vì những cuộc nhậu ngày lễ, Tết.
Có biết bao nhiều người con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Như vợ chồng ông Nguyễn Minh Hải, bà Đặng Kim Loan, ngụ đường Lê Văn Việt, quận 9.
Hai ông bà có một trai một gái. Con trai ra trường đi làm được hai năm, ông bà vẫn mong ngóng đến ngày con lập gia đình, cho ông bà được bế cháu.
Thế mà vào cái Tết năm 2018, ông bà nhận được tin dữ, con trai đi nhậu say về vừa lái xe vừa ngủ gật, tự đâm xe vào xe tải đậu ven đường, chết ngay tức khắc. Một cuộc đời đã khép lại ở tuổi thanh xuân, khi tương lai rạng rỡ còn ở phía trước, từ một cơn say. Từ đó, ông bà suy sụp hẳn, già đi hàng chục tuổi.
Chị Tô Thị Vân Anh, ngụ Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, TP.HCM còn nhớ mãi khoảnh khắc kinh hoàng của cái đêm giao thừa 2 năm về trước, đón Tết 2019.
Đếm hôm ấy, chồng chị bảo hẹn nhậu giao thừa với bạn bè, tầm 10h đêm sẽ về sửa soạn đón giao thừa cùng vợ con. 10h30 đêm chồng chưa về, gọi mãi thì máy không liên lạc được, lòng chị nóng như lửa đốt.
Gọi cho bạn anh thì được biết anh đã rời bàn nhậu 45 phút trước. 11 đêm, chị ngồi chờ trong thắc thỏm thì chuông điện thoại reo, có người báo chồng chị bị tai nạn giao thông rất nặng, đang nhập viện ở Chợ Rẫy.
Gửi con cho hàng xóm, chị tất tả chạy vào viện trong nỗi sợ hãi tột cùng. Vào bệnh viện, nhìn thấy chồng máu me đầm đìa mà chị muốn ngã quỵ.
Nghe nói chồng chị vì chạy lấn qua làn đường bên kia, tông phải người đi xe máy ngược chiều, văng vào giải phân cách, nón bảo hiểm rơi ra đập đầu xuống đường, có khả năng chấn thương sọ não và gãy tay.
Rất may là anh qua khỏi sau ca phẫu thuật não bộ. Tay thì nửa năm, sau nhiều ca phẫu thuật ghép nối xương và tập vật lý trị liệu mới có thể cử động bình thường.
Nhưng sau tai nạn ấy anh yếu hẳn, làm việc nặng không được, làm việc đầu óc thì áp lực cao là đau đầu như búa bổ.
Không chỉ thế, để điều trị cho chồng và đền bù cho người bị nạn, chị phải vét sạch tiền tích lũy của cả hai, khiến gia đình khó khăn một thời gian sau đó.
Đó là một cái Tết ám ảnh đối với chị và gia đình. Sau khi qua khỏi, anh thú nhận vì hôm ấy vui nên quá chén, biết say mà vẫn cố chạy về, vừa chạy vừa mơ màng nên gây ra tai nạn. Từ đó trở đi, anh không dám uống thêm giọt rượu, bia nào.
"Tai nạn ấy làm gia đình tôi khốn khổ và mất mát nhiều thứ lắm, nhưng cái được không phải là không có. Ngày xưa, mỗi lần chồng đi nhậu với bạn bè về khuya, tôi lo thon thót, hết nghĩ khôn rồi nghĩ dại.
Nhất là mấy dịp Tết, có bao nhiêu ngày anh nhậu thả cửa hết bấy nhiêu. Giờ thì hết rồi. Chỉ ở nhà vui vầy vợ con, chở vợ con đi đâu ai nài ép uống cũng từ chối quyết liệt, nhờ vậy mà nhà cửa êm ấm hẳn ra".
Một cái Tết hạnh phúc
Nếu có những điều ước vào ngày Tết, có lẽ không ít người vợ, người cha người mẹ sẽ ước điều giản dị rằng chồng mình, con mình không bị sa đà vào những bữa tiệc chè chén say sưa nữa. Để họ không phải buồn rầu, không ngay ngáy lo lắng khi người nhà mình đi nhậu mãi mà chưa về.
Có những người vợ, Tết đâu hẳn là những ngày thảnh thơi vui vẻ. Trước Tết, thời gian tất bận dọn dẹp trang trí đón Tết, thì anh chồng, viện cớ những buổi tất niên, họp mặt bạn bè, ít đỡ đần việc nhà, và chỉ chịu có mặt ở nhà những lúc đã quá say sưa.
Trong Tết, thì nào là bà con, anh em, bạn bè với vô vàn những độ ăn nhậu kéo dài từ sáng đến tối.
Có những người vợ mòn mỏi chờ chồng mình chở đi chơi xuân, mãi mà chồng chẳng có ngày nào tỉnh táo. Có những người vợ quần quật dọn dẹp cả trong 3 ngày Tết, bởi "chiến trường ăn nhậu" mà chồng và bạn chồng để lại.
Có những đứa trẻ buồn thiu, vì cha hứa hoài bao lần, nhưng chẳng chịu chở con đi chơi. Có những bậc cha mẹ, ba ngày Tết còn chả thấy mặt được con trai mình, nói chi đến "Tết sum vầy".
Những phút ồn ã, say sưa trên bàn nhậu lấy đi của người ta nhiều thứ quá. Nó khiến sức khỏe bị mài mòn, tạo ra những nguy cơ sứt mẻ tình cảm, gây gổ ẩu đả trên bàn nhậu, gây bao vụ tai nạn giao thông hủy hoại thân thể và tính mạng, tạo những bi kịch đau đớn cho các gia đình.
Và hơn hết, nó khiến những gia đình mất đi kết nối với nhau. Bởi thay vì những cuộc nhậu bù khú, nếu thời gian ấy, người đàn ông dành cho vợ con mình, giành để bày tỏ yêu thương cha mẹ già, chăm sóc vun vén mái ấm thì cuộc sống của họ và người thân đã khác đi nhiều lắm.
Một cái Tết mà gia đình dành trọn vẹn cho nhau thay vì sa đà trên bàn nhậu, sẽ là một cái Tết văn minh, an toàn và hạnh phúc biết nhường nào.
Trân Trân - Pháp luật Plus