Theo phản ánh của người dân, một số nhà máy gạch trên địa phương đang tập kết rất nhiều rác thải gây mùi khó chịu, thậm chí một số nơi xả thải ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động nông nghiệp. Để hiểu rõ hơn về thực trạng này, nhóm PV chúng tôi đã trực tiếp về địa phương để tìm hiểu.
Từ nhà máy gạch thành nơi chứa rác
Qua thông tin, PV tìm đến huyện Gia Bình và thị xã Thuận Thành, nơi có nhiều người dân phản ánh. Tại huyện Gia Bình, nhà máy gạch tuynel của Công ty CP Cao Đức đang tập kết chồng chất những rác thải bao bì, phế liệu.
Nhà máy gạch của Công ty cổ phần Cao Đức nơi tập kết và xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, nơi này trước là lò gạch nhưng những năm gần đây, ngành sản xuất gạch, ngói xây dựng truyền thống tại Việt Nam đang đối diện với những khó khăn bủa vây.
Khi nguồn khoáng sản, nguyên liệu phục vụ sản xuất ngày càng khan hiếm; ngày công lao động tăng cao; đầu ra phải cạnh tranh với các vật liệu không nung; vật liệu xanh.
Sản phẩm làm ra cũng được tiêu thụ rất chậm. Nên giờ xưởng chỉ còn hoạt động nhỏ lẻ, từng phần. Còn lại là cho thuê làm bãi chứa và xử lý rác thải.
Rác thải, phế liệu được tập kết bên trong nhà máy gạch tuynel Cao Đức
Rác thải, phế liệu được tập kết bên trong nhà máy gạch tuynel Cao Đức.
Những bao bì, phế liệu nằm ngổn ngang, bừa bãi trong khuôn viên nhà máy chờ xử lý.
Theo thông tin của một công nhân trong xưởng tại nhà máy, khối lượng xử lý trung bình của xưởng này là khoảng 8 tấn/ngày, có những ngày có thể sản xuất tối đa lên tới 11 tấn/ngày.
Sau khi tập kết, công nhân trong xưởng bắt đầu xếp lại và di chuyển mang đi xử lý tái chế.
Một người dân đang sinh sống và canh tác trực tiếp cạnh xưởng chia sẻ, việc xả thải này mới được hoạt động mấy tháng gần đây, mới đầu nhà máy cho xả thải vào đây.
Vừa nói người đàn ông vừa chỉ tay về phía con mương nước tưới tiêu cạnh nhà mình. Sau bị người dân phản ánh, nhà máy này mới cho xả ra phía ngoài bờ đê bên kia xưởng.
Người dân cũng cho biết, nếu sau này xưởng hoạt động và tiếp tục xả thải ra môi trường gây ảnh hưởng tới cuộc sống của những người dân xung quanh thì họ sẽ có kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Khu vực phía sau nhà xưởng cạnh nơi tập kết rác thải có cống nước biểu hiện nổi váng và vẩn đục.
Không riêng mỗi cơ sở nhà máy này, một cơ sở nhà máy khác ở TX Thuận Thành (Bắc Ninh) hoạt động tương tự như vậy. Việc sản xuất gạch tuynel cũng bị tạm dừng và thay vào đó cho các đơn vị thuê để tập kết rác thải, phế liệu.
Nơi tập kết và xử lý rác thải của một nhà máy gạch khác tại thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh).
Tại cơ sở này, rác thải phế liệu chủ yếu là các bao bì, túi bóng, ni-lông cũ được tập kết la liệt xung quanh xưởng.
Nhiều đống rác lộ thiên không che chắn, nước thải chảy tràn ra xung quan khiến nơi đây vẩn lên những mùi hôi thối, khó chịu.
Rác thải bị vứt la liệt, bừa bãi bốc mùi hôi thối gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.
Nước thải đen ngòm chảy trực tiếp từ trong xưởng chứa rác ra môi trường không qua xử lý.
Tái chế, xử lí ngay trong bãi tập kết
Không chỉ tập kết phế liệu, rác thải mà chủ cơ sở các nhà máy này còn lắp đặt hệ thống máy móc để tái chế và trực tiếp xử lý rác thải ngay cả khi không đủ đảm bảo về an toàn lao động, các biện pháp bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, theo quan sát của PV, cả 2 kho bãi này đều chứa những vật liệu dễ cháy nổ nhưng không hề có những thiết bị hay hướng dẫn nào về công tác PCCC.
Hệ thống máy móc thô sơ không đảm bảo an toàn trong quy trình tái chế.
Công nhân trực tiếp đứng sản xuất không hề có đồ bảo hộ lao động và phòng chống độc hại.
Nơi ở của công nhân được sắp xếp trực tiếp cạnh những khối rác khổng lồ tại xưởng.
Đề nghị UBND huyện Gia Bình và TX Thuận Thành nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý các cơ sở trên, không để phát sinh thêm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến người dân.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nguyễn Linh - Lê Thanh - Pháp luật Plus