Bệnh tật không nghỉ lễ
Dịp lễ 30/4, 1/5, các bệnh viện đã hoàn thành việc phân công lịch trực cho các y, bác sĩ và nhân viên trước đó cả tuần. Chia sẻ về vấn đề trực lễ, Tết trong bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Anh Huy (Khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Với mình, mỗi người một công việc. Khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ và chúng mình cũng phải làm quen với việc trực xuyên lễ, Tết ngay từ khi còn là sinh viên. Điều đó dường như trở thành thói quen của tất cả các y, bác sĩ".
Bác sỹ Nguyễn Anh Huy (bên phải)
5 năm làm công việc bác sĩ, cũng là 5 năm anh Huy thường xuyên vắng nhà vào các dịp lễ, Tết trong năm. Khi nói về việc trực Tết, anh Huy cười cho rằng, người ngoài nhìn vào có thể thấy anh hay nhiều bác sĩ, điều dưỡng khác vất vả, phải chạy đây chạy đó trong bệnh viện, nhưng bản thân anh lại cảm thấy việc đó như một điều tất yếu.
"Dù là mình không đi làm thì cũng có đồng nghiệp khác phải đi làm, vì bệnh tật không nghỉ lễ. Vì vậy, việc mình đi trực lễ, Tết tại bệnh viện không đơn giản chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh của người thầy thuốc, của những người khoác áo blouse trắng như chúng mình!", anh Huy chia sẻ.
Bác Sỹ Nguyễn Anh Huy với chuyên gia nước ngoài
Người dân nghỉ lễ nhưng cũng lúc lưu lượng bệnh nhân vào các khoa Cấp cứu, Hồi sức, Chấn thương không hề giảm, thậm chí còn gia tăng. Phần nhiều liên quan đến uống rượu. Nhiều người uống say đánh nhau gây thương tích, uống say gây tai nạn giao thông, ngộ độc rượu giả hay những người có sẵn bệnh gan, uống rượu quá đà bị suy gan cấp… Theo anh Huy, các bác sỹ ngày lễ, Tết giảm, trong khi số lượng bệnh nhân tăng. Do vậy, ai được phân công trực ngày lễ đều phải căng mình phục vụ bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Anh Huy tại một ca trực cùng đồng nghiệp
Kể về những kỉ niệm vui, buồn của nghề, anh Huy cho biết: “Có một số bác sỹ trẻ tranh thủ ngày nghỉ sau những ca trực lễ xuyên đêm đến ra mắt họ hàng nhà người yêu. Sau lần ra mắt đó, cả họ khuyên cô người yêu thận trọng vì “trông mặt mày hốc hác, mắt mũi lờ đờ, ngồi một lúc là thấy ngáp mấy cái, phải tìm hiểu kỹ xem có bị nghiện không”…
Khi lấy nhau rồi, những người có vợ, chồng làm bác sỹ họ sẽ quen dần với việc chồng hay vợ đi trực vắng nhà trong ngày lễ, ngày Tết nhưng trẻ con thì sẽ luôn thiệt thòi vì chẳng mấy khi được bố mẹ cho đi chơi Tết vì những ngày này, bố mẹ chúng còn đang bận bịu trong sự nghiệp cứu người”.
Ngày lễ trong viện ấm cúng như gia đình
Không giống với anh Huy, chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, bác sĩ nội trú khoa Ngoại, lại có những trải nghiệm trực lễ tại bệnh viện khá đặc biệt.
Năm nay là năm đầu tiên Thuỷ Tiên trở thành bác sĩ nội trú. Khi được hỏi về câu chuyện trực xuyên ngày lễ của các bác sĩ trẻ, Thuỷ tiên kể, hồi còn là đi học, những ngày lễ, Tết, các bạn sinh viên Y cũng được phân công lịch trực. Tuy nhiên người ở Hà Nội sẽ trực thay người về quê. Vì thế, khi bắt đầu đi nội trú, Thuỷ Tiên mới thực sự trải nghiệm chuyện trực lễ, Tết tại bệnh viện và lần trực đầu tiên của cô ở vị trí công việc mới chính là Tết Nguyên đán vừa qua.
"Hiện tại, mình là bác sĩ nội trú nên công việc trực lễ, Tết cũng hạn chế đổi cho người khác. Lần trực xuyên ngày nghỉ lễ đầu tiên của mình là Tết Nguyên đán tại bệnh viện Việt Đức. Bọn mình phải trực 24h từ 29 Tết qua đến mùng 1. Sau ca trực, vì là mùng 1 đầu năm nên không có xe khách về quê, mình đã phải ở lại Hà Nội thêm một đêm rồi mùng 2 Tết bắt xe sớm về sum họp với gia đình", Thủy Tiên kể.
Chị Thủy Tiên tại ca trực Tết Nguyên đán vừa qua
Với cô bác sỹ trẻ, năm đầu trải qua cảm giác phải đi trực, xa nhà, xa bố mẹ, lúc đầu Thuỷ Tiên nghĩ sẽ buồn và cô đơn lắm. Tuy nhiên đến bệnh viện mới biết, có rất nhiều anh chị, cô chú cùng làm việc. Ngoài việc lo cấp cứu và điều trị, các y, bác sĩ trực Tết cũng vẫn tổ chức đón Giao thừa. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của bệnh viện cùng nâng một ly rượu vang, ăn bánh và chúc nhau năm mới an lành.
“Mình nhớ và thích nhất là khi nhận được lì xì của Giám đốc bệnh viện. Lúc ấy trong nhóm các y, bác sĩ trực Tết, mình là nhỏ tuổi nhất nên nhận được nhiều lì xì của mọi người. Mọi người lì xì lẫn nhau, từ bác sĩ lớn đến bác sĩ bé rồi nội trú chúng mình, các anh chị điều dưỡng cứ như thế xếp hàng nhận lì xì. Không khí ấm áp, vui vẻ vô cùng!", Thuỷ Tiên hào hứng kể lại.
Trực lễ hay Tết rồi đón Giao thừa ở bệnh viện cũng là một phần thiệt thòi, nhưng không vì thế các bác sĩ hay bản thân chị Thủy Tiên thấy buồn. Bởi ở đây, bác sĩ và bệnh nhân không hề có khoảng cách. Tất cả cùng nhau quây quần trò chuyện, cùng nhau đón giao thừa, gửi tới nhau những lời chúc mừng năm mới, cùng xem pháo hoa. Có thể nói, ngày lễ, Tết, phải ở lại viện là việc chẳng đừng. Nhưng dường như trong những ngày này, tình thương, tình yêu của con người dành cho nhau càng được bộc lộ rõ hơn và sâu sắc hơn.
Năm nay, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Thuỷ Tiên là lực lượng trẻ nên sẽ tiếp tục trực xuyên ngày lễ. Dù thế, nữ bác sĩ trẻ này rất vui vẻ và cho rằng, với nghề nghiệp của mình, việc trực ngày lễ, Tết là bình thường và càng trong những ngày này, bệnh nhân càng cần mình hơn. Là phụ nữ, lại làm bác sĩ nội trú của khoa Ngoại, công việc tương đối vất vả nhưng nữ bác sỹ trẻ không hề hối hận khi lựa chọn nghề này.
"Một khi đã chọn nghề thì mình xác định sẽ theo đuổi con đường này đến cùng. Mới đầu đi trực, bản thân mình cảm nhận đúng thật nó hơi quá sức khi phải trực 24h liên tục, về đến phòng trọ thì chân tay đau nhức. Dù vậy, là một bác sĩ nội trú Ngoại, mình luôn được các đồng nghiệp đi trước dạy dỗ chỉ bảo. Đi trực không phải làm việc đơn lẻ mà mình sẽ phải làm việc tập thể thường xuyên và hỗ trợ khó khăn cho nhau. Càng về sau, mình càng thấy ổn hơn và đến giờ thì đã quen với tần suất công việc. Đây không chỉ đam mê của mình mà còn là trách nhiệm của 1 bác sĩ ", Thuỷ Tiên bày tỏ.
Đình Trung - TTTĐ