Bài 2 - Các ngân hàng chưa “mặn mà” với Thông tư 02
Kinhte&Xahoi
Sau hơn hai tháng ban hành Thông tư số 02 về cơ cấu giãn nợ. Đến nay còn rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được theo tinh thần Thông tư này.
Doanh nghiệp khó tiếp cận Thông tư 02
Theo quy định tại Thông tư 02 (Thông tư số 02/2023/TT-NHNN), đối tượng được cơ cấu nợ bao gồm các khách hàng (tổ chức, cá nhân) gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng, có nhu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản cho vay, cho thuê tài chính, và đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
Dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và không phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024, đồng thời số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.
Ông Lê Bạch Long - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai
Theo ông Lê Bạch Long - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai: “Theo thông tin sơ bộ của các doanh nghiệp là hội viên Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, có rất ít doanh nghiệp được tiếp cận, hỗ trợ cơ cấu nợ, giãn nợ mặc dù lịch sử tín dụng của doanh nghiệp đáp ứng đúng theo tinh thần chung của Thông tư 02. Hiện tại sức khỏe nhiều doanh nghiệp đang ở mức báo động đỏ, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối diện là gánh nặng tài chính. Nếu các ngân hàng không có những động thái tích cực quyết liệt hơn nhằm hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp sẽ ngày càng chồng chất khó khăn”.
Đồng quan điểm trên ông, Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư và phát triển MinGroup, Hội viên hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Tôi đánh giá rất cao về ý nghĩa và mục đích ra đời Thông tư 02, kịp thời nhằm hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp vào đúng thời điểm khó khăn nhất của thị trường.
Thông tư 02 ra đời như “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp cả nước nói chung và ngành xây dựng chúng tôi nói riêng. Cộng đồng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng chúng tôi tha thiết mong các ngân hàng quan tâm hơn đến sự sống còn của các doanh nghiệp trong thời điểm hết sức khó khăn này”. Thông tư 02 với mục đích tạo điều kiện cho bên vay được kéo dài thời gian vay và trả nợ, tiếp cận các nguồn vốn mới để phục vụ sản xuất kinh doanh. Thế nhưng trên thưc tế, đến nay rất ít cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận được tinh thần Thông tư này.
Chỉ thị 02 - Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố tình gây khó khăn cơ cấu nợ cho doanh nghiệp
Bên cạnh các giải pháp theo tinh thần Thông tư số 02 nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính. Ngân hàng Nhà nước đồng thời ban hành Chỉ thị 02 (Chỉ thị số 02/CT-NHNN) nhằm hỗ trợ khách hàng, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sớm tiếp cận thông tin về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Phạm Quốc Bảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ngay khi Thông tư 02 được ban hành, NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã có văn bản triển khai nội dung Thông tư đến chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đồng thời tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Đồng Nai năm 2023, nhằm triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành ngân hàng, bao gồm chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đến đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã dự hội nghị.
Cũng theo ông Bảo, để việc triển khai được linh hoạt và chủ động theo năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN quy định mỗi ngân hàng sẽ chủ động xây dựng quy định nội bộ triển khai chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 02 để các ngân hàng tự cân đối được nguồn lực hỗ trợ khách hàng, có thêm một giải pháp hữu hiệu để kiểm soát nợ xấu. Đồng thời NHNN sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát, thanh tra quá trình các ngân hàng, tổ chức tín dụng ban hành và thực hiện quy định nội bộ để triển khai chính sách này.
Tính đến 31/5/2023, cả nước có 36 TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.200 khách hàng với dư nợ gốc, lãi được cơ cấu khoảng 15.463 tỷ đồng. Đối với tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 05/2023 có 18 chi nhánh TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 768 khách hàng với dư nợ gốc, lãi được cơ cấu khoảng 1.809 tỷ đồng.
Thiên Phúc - Pháp luật Plus