Biệt thự xây trái phép ở Ba Vì: Kéo dài xử lý để… hợp thức hóa?

28/09/2018 08:29

Kinhte&Xahoi Sau nhiều năm phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý cán bộ liên quan đến các công trình biệt thự xây dựng trái phép trên địa bàn Ba Vì, đến nay, chính quyền địa phương vẫn loay hoay vì chưa có phương án giải quyết dứt điểm.

Cả trăm biệt thự bỏ hoang

Nhóm phóng viên Tiền Phong trở lại đồi Đá Bạc thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì - Hà Nội, nơi từng phát hiện hàng chục biệt thự xây dựng trái phép vào năm 2012. Trước mắt chúng tôi nơi từng được chủ đầu tư quảng cáo rầm rộ ngày nào nay là khung cảnh hoang tàn, không một bóng người. 25 biệt thự quy mô lớn đã hoàn thiện phần thô bỏ hoang gần 7 năm qua phơi mưa nắng, cỏ mọc và dây leo bám vào cửa sổ, lấp kín đường vào.

Theo quan sát, dọc theo con đường bê tông lên đỉnh đồi Đá Bạc này, các biệt thự nằm san sát, có bố trí đường vào nhà, gara ô tô. Cá biệt, vài biệt thự đã được sửa sang, sơn lại, tuy nhiên cổng vẫn khóa kín. Một vài người dân địa phương cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người lui tới. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, một số biệt thự được lắp đặt nhiều tiện nghi như bình nước, truyền hình... Trên đỉnh đồi, 3 biệt thự lớn diện tích cả nghìn m2 nằm kề nhau, chưa hoàn thiện.

Không riêng ở đồi Đá Bạc, trên địa bàn xã Yên Bài còn hơn 50 biệt thự đã hoàn thiện nhưng bỏ hoang ở dự án Điền Viên Thôn. Hàng chục biệt thự nằm trong dự án này được kết luận là xây dựng trái phép từ năm 2017, dù đã hoàn thiện nhưng chính quyền cấm đón khách du lịch và cấm người mua nhà đến ở. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong cuối tháng 9/2018, khu vực Điền Viên Thôn khá vắng vẻ. Ngay ngoài cổng vào dự án này, xã Yên Bài dựng một biển thông báo về công trình vi phạm, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không xây dựng, lưu trú, kinh doanh dịch vụ; nếu có sẽ xử lý nghiêm.

25 biệt thự khủng tại đồi Đá Bạc, xã Yên Bài, Ba Vì.

Dọc theo con đường nội bộ của khu Điền Viên Thôn, các biệt thự nằm im lìm, các dịch vụ hầu hết đóng cửa. Nhiều khu vực xung quanh biệt thự đã xuống cấp, nhiều khu nhà xây dở dang. Tuy nhiên, cũng có một số ngôi nhà tương đối sạch sẽ, hàng rào cây hoa được cắt tỉa gọn gàng.

Chờ chỉ đạo của thành phố

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho rằng, liên quan đến sai phạm ở đồi Đá Bạc, trước đây, thanh tra liên ngành và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã làm việc, kết luận. Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang về làm việc tại địa phương và có tìm hiểu về việc xử lý về sai phạm trong xây dựng biệt thự khu đồi Đá Bạc, Điền Viên Thôn và một số địa điểm khác.

Một biệt thự ở Điền Viên Thôn

Nói thêm về dự án trên đồi Đá Bạc, ông Huy cho biết, tại đây có 25 biệt thự do Công ty Archi làm chủ đầu tư, thu gom đất, xây dựng nhà và đã bán cho một số hộ dân. Công ty này bán cho người dân lấy tiền rồi “phủi” trách nhiệm, nhiều khi có các đoàn công tác, báo chí đến làm việc, mời họ đến cung cấp thông tin thì họ bảo “không có liên quan gì nữa, bây giờ là trách nhiệm của địa phương”. Ông Huy cũng cho biết, hiện có 2 hộ dân ở trên đồi Đá Bạc làm đơn xin sơn lại nhà. Có một hộ 2 vợ chồng cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu có thỉnh thoảng lên, xin chính quyền xã cho khoan giếng nhưng xã không cho phép. Về hướng xử lý, ông Huy cho biết, vẫn phải chờ các cơ quan cấp trên xem xét.

Về trường hợp dự án Điền Viên Thôn, UBND xã Yên Bài cho hay: Sai phạm đã được chỉ rõ ở kết luận thanh tra của thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Hiện nay, vẫn giữ nguyên hiện trạng như vậy. “Chúng tôi đang cử hai cán bộ công an xã túc trực hằng ngày, ngăn chặn việc xây dựng, kinh doanh trái phép. Xe nào cố tình vào thì ghi biển số lại sau đó huy động lực lượng vào”. Ông Huy cũng cho biết, thời gian vừa qua, chính quyền đã cưỡng chế đập bỏ 2 biệt thự, bắt tháo dỡ 3 trường hợp xây dựng trái phép bên trong khu dự án Điền Viên Thôn.

Về hướng xử lý 53 công trình sai phép trên diện tích 3,6 ha thuộc khu rừng Mu này, ông Huy cho biết, trước đây, cũng có ý kiến đề xuất phạt cho tồn tại, yêu cầu nộp tiền sử dụng đất, tuy nhiên đến nay thành phố chưa đưa ra chỉ đạo gì cụ thể. Ông Huy cũng đề nghị thành phố sớm có hướng xử lý để giảm bớt áp lực và gánh nặng công việc cho xã vì phải cử cán bộ trông giữ hàng ngày.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trên địa bàn nhiều xã khác của Ba Vì cũng đang tồn tại nhiều biệt thự vi phạm nhưng chưa có hướng xử lý dứt điểm.

Với tính trạng kéo dài xử lý sai phạm như vừa qua, liệu có tình trạng “tạo điều kiện” hợp thức hoá cho các biệt thự vi phạm này?

 

Theo Tiền phong/Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM