Chưa thấy ai "được" EVN ghi nhầm giảm tiền điện

26/06/2020 10:59

Kinhte&Xahoi Hiện tượng nhầm hóa đơn diễn ra ở nhiều tỉnh thành và đều được khẳng định do ghi nhầm, không soát lại. Nhưng lạ một điều là việc nhầm chỉ có tăng, chưa thấy trường hợp nào tiền điện giảm....

Gõ từ khóa "tiền điện tăng" tìm kiếm trên Google cho kết quả 212 triệu kết quả chỉ trong 0,40 giây cho thấy, sức nóng của tiền điện đã...vượt ngưỡng?.

Trước thông tin phản ánh việc trong thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ.

"Tái mặt" khi nhận hóa đơn

Chuyện tăng sốc "nổ ra" bắt đầu bà Đào Thị Gái (thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) kiến nghị lên Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc về sản lượng điện tiêu thụ tháng 6 tăng cao đột biến, với số tiền lên tới gần 90 triệu đồng. 

Cán bộ công ty Điện lực tới xin lỗi người dân. Ảnh báo Quảng Ninh

Trong khi nhà bà Gái chỉ có 3 người, không kinh doanh buôn bán. Lực lượng chức năng vào cuộc tính lại, số tiền điện tháng 6 của nhà bà Gái là 370 nghìn đồng. 

Trường hợp khác ở Nghệ An là gia đình chị Nguyễn Thị T. (trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) nhận được thông báo tiền điện tháng 6 là hơn 16 triệu đồng.

Thấy số tiền điện tăng vọt quá vô lý, chị T. đã phản ánh đến công ty Điện lực Quỳ Châu. Tính toán lại, tiền điện tháng 6 của gia đình chị T. chỉ hơn 500 nghìn đồng, số tiền chênh lệch gần 32 lần. 

Phó giám đốc Công ty Điện Lực ở Nghệ An cho rằng, sai sót xuất phát từ khâu ghi chỉ số, nhập vào máy tính và người đi phúc tra về.

Ở Hà Tĩnh, chị H.V. (ở phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh) cũng bất ngờ với hoá đơn tiền điện tháng 6 lên tới 13,5 triệu đồng. Trong khi đó, tiền điện tháng 5 là 71 nghìn đồng.

Nguyên nhân được Giám đốc HTX Tiền Phương (đơn vị cung cấp điện) Đoàn Văn Tạnh cho hay, do rò rỉ đường dây. “Đường dây điện không đảm bảo dẫn tới bị rò rỉ rồi dính chạm vào rạp mái nhà. Công tơ quay thường xuyên, sinh ra sản lượng điện lớn”, ông Tạnh nói.

Gia đình chị V. bị cắt điện gần 10 hôm nay để kiểm tra đường dây và cũng vì chị không chịu nộp 13,5 triệu tiền điện.

Trên một số group mạng xã hội, rất nhiều người đã than vãn sau khi nhận hóa đơn tiền điện đã "tái mặt" vì số tiền tăng vọt. Một số người cho rằng, số người trong gia đình không tăng, sức dùng không có gì đột biến tháng sau so với tháng trước, nhưng tiền điện vênh vài trăm ngàn. Có người thắc mắc "khoảng thời gian nóng trong ngày từ 8h30 đến 20h trong ngày ở trên cơ quan, mà tiền điện vẫn tăng gấp rưỡi?"...

Lý giải từ nhà cung cấp

Sai sót về hóa đơn tiền điện của người dân ở Quảng Ninh được công ty điện lực cho rằng, thời tiết ngày 15/6 có mưa giông, tín hiệu không đảm bảo, khiến cho việc cập nhật chỉ số và sản lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng không chính xác.

Phó GĐ công ty Điện Lực ở Nghệ An cho rằng, sai sót xuất phát từ khâu ghi chỉ số, nhập vào máy tính và người đi phúc tra về.

Còn lập luận của tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tại cuộc họp mới đây về sự cố việc ghi nhầm chỉ số công tơ tại công ty Điện lực Quảng Bình. EVNCPC cũng đánh giá, hiện nay, quy trình kinh doanh của ngành điện đã rất chặt chẽ; hệ thống phần mềm quản lý công tác kinh doanh của EVNCPC cũng đã được trang bị đầy đủ các tính năng hữu ích, giúp cảnh báo sớm các trường hợp bất thường về sử dụng điện; việc tổ chức bộ máy, phân công phân nhiệm trong công tác kinh doanh cũng đã đảm bảo kiểm tra giám sát chéo, phúc tra số liệu từng khâu trước khi phát hành thông báo tiền điện và hóa đơn gửi khách hàng.

Tuy nhiên, sự cố tính nhầm hóa đơn tiền điện khách hàng tại Quảng Bình vẫn xảy ra, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của các cá nhân và sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu các bộ phận và đơn vị.

Nhiều người than tiền điện cứ 'nhảy múa' tăng vọt

Một chuyên gia ngành điện cho rằng việc sử dụng điện càng nhiều, tiền điện càng tăng cao vì cách tính tiền điện cho đối tượng sinh hoạt hiện nay đang áp dụng theo lũy tiến bậc thang. Lượng điện sử dụng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao.

Ngoài ra nguyên nhân thứ 2 chính là thời tiết nắng nóng kéo dài. Điều này khiến nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao, nhất là máy lạnh.

Cũng không loại trừ nguyên nhân do khách hàng, khi Điện lực Đà Nẵng nhận được phản ánh của gia đình bà Trương Thị Thơm (thôn Hòa Khê, huyện Hòa Vang) về số tiền điện phải trả trong tháng 5/2020 tăng 14 lần so với tháng 4.

Ngay sau đó, cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng khách hàng xác định nguyên nhân dẫn đến sản lượng điện tăng đột biến. Qua kiểm tra phát hiện đường dây dẫn điện trong nhà bà Thơm bị bong tróc vỏ, gây chạm chập dẫn đến thất thoát điện năng, làm sản lượng điện tăng cao.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo trong các tháng 7,8 nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài và có thể còn nóng hơn nữa. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng, do đó để giảm chi phí tiền điện EVN khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.

Hàng loạt lãnh đạo bị xử lý

Một ngày sau khi gia đình bà Gái ở Vân Đồn, Quảng Ninh phản ánh hóa đơn điện "nhảy múa" từ 370 nghìn lên gần 90 triệu đồng, công ty Điện lực Quảng Ninh đã yêu cầu Điện lực Vân Đồn tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng kinh doanh.

Chưa dừng lại ở đó, sáng 24/6, Phó GĐ công ty Điện lực Quảng Ninh Vũ Đình Tân cho hay, sau cuộc họp của Điện lực Vân Đồn, đơn vị này đã đề xuất cách chức Phó GĐ Nguyễn Hữu Trọng, Trưởng phòng Kinh doanh Lưu Sơn Tùng và Tổ trưởng kinh doanh giám sát Đỗ Huy Đạm.

Ngoài ra, GĐ Điện lực Vân Đồn Đặng Thành bị đề xuất kỷ luật khiển trách.

Còn sự cố ở Nghệ An, Điện lực Quỳ Châu đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Đặng Minh Đức, viên chức phòng kinh doanh, người trực tiếp nhập dữ liệu và xuất hóa đơn cho hộ dân bị sai; khiển trách ông Bùi Đăng Phúc, người ghi chỉ số công tơ ban đầu.

Đình chỉ công tác ông Trương Quang Định, GĐ Điện lực huyện Quỳ Châu, 15 ngày kể từ ngày 24/6. Ngoài ra, đề nghị xem xét kỷ luật ông Nguyễn Thượng Tuấn, Phó GĐ Điện lực Quỳ Châu.

Liên quan việc ghi nhầm chỉ số công tơ tại công ty Điện lực Quảng Bình, chiều 23/6 ông Ngô Tấn Cư, TGĐ tổng công ty Điện lực miền Trung có quyết định đình chỉ công tác Phó GĐ phụ trách kinh doanh công ty Điện lực Quảng Bình Trần Xuân Công và GĐ Điện lực Đồng Hới Thái Hồng Lĩnh. Đồng thời, yêu cầu GĐ công ty Điện lực Quảng Bình xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân liên quan...

EVN cho biết, sẽ lập đoàn kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng vọt vừa qua. Đoàn công tác sẽ gồm các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Nói một cách công bằng, những động thái trong việc khắc phục, xử lý sai sót lần nhầm hóa đơn tiền điện lần này, EVN các tỉnh, thành đã xử lý mạnh tay, thấu đáo. Những nhân sự liên quan đều bị tạm đình chỉ nhiệm vụ và đang trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật. Đó là điều kiện cần, điều kiện đủ còn lại là sự minh bạch. Đây là việc không khó hiện nay bởi công nghệ hiện nay không thiếu gì cách mà cả người mua lẫn bên bán đều có thể theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày hay những sự đột biến nếu có. Làm được việc này, chắc chắn sẽ không còn câu hỏi vì sao tiền điện chỉ nhầm tăng, mà không thấy nhầm giảm diễn ra thường xuyên lâu nay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Link bài gốc https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tien-dien-cu-nhay-mua-tang-vot-khach-hang-dang-bi-moc-tui-kho-kiem-651845.html