Chuyện về cây cầu vắt qua 3 thế kỷ

10/08/2018 10:21

Kinhte&Xahoi Cách nay vừa đúng 10 năm, ở Hà Nội diễn ra một một cuộc triển lãm độc đáo về một cây cầu. Đó là cầu Long Biên, cây cầu đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.

Cây cầu đã vượt qua tuổi 100 và nối liền 3 thế kỷ, chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của đất nước. Chính vì vậy, Festival “Ký ức cầu Long Biên” là dịp đánh thức những sự kiện, những huyền thoại đã và đang diễn ra ở cây cầu này.

Ngay từ thuở thiếu thời, chúng tôi đã được biết đến cầu Long Biên qua những câu thơ: “Hà Nội có cầu Long Biên; vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng; tàu xe đi lại thong dong”... Theo thời gian, cây cầu ấy tưởng đã lùi vào dĩ vãng với những gỉ sắt, những vết tích của thời gian, của đạn bom trong những năm đất nước có chiến tranh, nhưng cây cầu vẫn đứng đó như một vật chứng bền vững của thời gian và bền vững trong lòng người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Ở đầu cầu Long Biên người ta vẫn đọc được những dòng chữ gắn trên tấm biển bằng đồng với nội dung: cây cầu được khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn thành sau đó 5 năm.

Cầu Long Biên.

Ngày ấy, người Pháp xây dựng cây cầu này để thực hiện cái mà họ gọi là “khai hóa” nền văn minh ở xứ Đông Dương. Do vậy, khi hoàn thành, cây cầu được mang tên Toàn quyền Đông Dương Pháp (lúc đó là Paul Doumer). Hồi đó, trên các trang báo của Pháp đã đánh giá: đó là một trong những cây cầu lớn nhất thế giới và coi đó là cây cầu nối liền 2 thế kỷ. Các nhà sử học ghi lại rằng: Ban đầu, cầu được xây dựng chủ yếu dành cho xe lửa chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, hai bên có đường dành cho người đi bộ và vài loại xe thô sơ. Nhưng đến những năm 20 của thế kỷ XX, khi ôtô được du nhập vào Việt Nam ngày một nhiều nhằm phục vụ giới nhà giàu và người Pháp, cầu Long Biên thực sự là cầu nối giữa hai bờ sông Hồng và là động lực để thúc đẩy sự phát triển đô thị ở Hà Nội và các vùng lân cận.

Lịch sử cũng ghi nhận rằng, đã có thời điểm cây cầu Long Biên bị nghiêng vì những dòng chiến xa của thực dân Pháp khi họ điều quân từ trong thành phố sang sân bay Gia Lâm để tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ đang bị thất thủ. Hòa bình được ít năm, người Hà Nội và các tỉnh, thành phố ở miền Bắc lại phải đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt bằng các loại máy bay và vũ khí hiện đại của đế quốc Mỹ. Khi ấy, cầu Long Biên trở thành huyết mạch chiến lược giao thông, lẽ đương nhiên, nó cũng trở thành mục tiêu bắn phá bằng các loại vũ khí tối tân của không lực Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cây cầu vẫn hiên ngang đứng vững và tiếp tục là nhân chứng chứng kiến cuộc đấu tranh anh dũng của bao thế hệ con người Việt Nam cũng như sự thất bại của quân thù.

Quân Pháp rút qua cầu Long Biên

Đó là mùa thu năm 1954, đoàn quân viễn chinh Pháp nối đuôi nhau rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên để ra quốc lộ 5 đi về hướng cảng Hải Phòng về nước, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ nước ta. Cũng vào tháng 10 năm ấy, cầu Long Biên lại có dịp chứng kiến những đoàn quân chiến thắng của ta từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô.

Ít năm sau, vẫn cây cầu huyền thoại ấy lại chứng kiến sự thất bại ê chề khi những chuyến xe chở tù binh Mỹ từ “khách sạn Hiltơn” (nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội), những kẻ mà trước đó đã điều khiển những chiếc phi cơ hiện đại mang nhãn hiệu Hoa Kỳ đến ném bom tàn phá Hà Nội và cầu Long Biên, thì nay họ không ngờ  cây cầu ấy vẫn tồn tại và tiễn đưa các phi công Mỹ về nước.

Ai cũng biết, để cây cầu Long Biên đứng vững trước hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ thù, tại đây và các khu vực xung quanh cây cầu đã diễn ra bao trận đánh ác liệt giữa các lực lượng phòng không của ta với thế lực không quân Hoa Kỳ. Ngày ấy, người Mỹ ảo tưởng với việc sử dụng các loại vũ khí tối tân, công nghệ quân sự hiện đại vào bậc nhất thế giới họ sẽ sớm đưa Việt Nam trở về thời đồ đá, phá nát cầu Long Biên từ loạt oanh kích đầu tiên, nhưng họ không ngờ, các lực lượng phòng không của ta lại anh hùng, tài tình đến thế.  

Tại đây, ta chẳng những bắn rơi nhiều máy bay và bắt sống nhiều phi công Mỹ trên bầu trời Thủ đô mà còn bảo vệ được cây cầu Long Biên huyền thoại, giữ được huyết mạch giao thông giữa Thủ đô Hà Nội với các địa phương trong cả nước.

Vượt qua sông Hồng hôm nay, ngoài cầu Long Biên còn có cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ hàng chục năm nay, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trong thành phố, mà còn làm thay đổi diện mạo và cảnh quan của Thủ đô Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ ở Thủ đô mà trong phạm vi cả nước.

Đó là một niềm vui chung của Thủ đô cũng như của đất nước, nhưng với cầu Long Biên, cây cầu đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại vẫn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Có lẽ vì thế mà người ta tổ chức một Festival độc đáo, đó là Festival “Ký ức cầu Long Biên”.

Bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô đi qua cầu Long Biên

Một festival tái hiện không gian Hà Nội những năm đầu của thế kỷ XX gắn với văn hóa ẩm thực, các làng nghề truyền thống và nếp sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Cũng tại lễ hội này là những màn trình diễn nghệ thuật đường phố, với những gánh hàng rong, triển lãm tranh, ảnh về các thời kỳ khác nhau mà cây cầu đã được chứng kiến. Dọc hướng lưu thông Hà Nội - Gia Lâm mang tên “Ký ức cây cầu” sẽ được chia thành từng ô, mỗi ô diễn tả một giai đoạn lịch sử và được tái hiện một cách sinh động không chỉ bằng tranh ảnh mà là lời kể của những nhân chứng của các thời kỳ đó.

Nối tiếp đầu cầu phía bên Gia Lâm là không gian Hà Nội thế kỷ XXI với triển lãm nghệ thuật, chiếu phim, ca nhạc hiện đại được giới trẻ yêu thích. Còn theo hướng Gia Lâm về Hà Nội là chủ đề “Ước mơ cây cầu” sẽ là không gian sáng tạo dành cho giới trẻ hướng về tương lai.Đây chính là việc làm có ý nghĩa này chẳng những đánh thức quá khứ về một huyền thoại lịch sử mà còn góp phần làm rạng rỡ những trang sử của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Theo KD&PL





CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM