Thời gian vừa qua, báo nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH KTM - Chi nhánh tại Hà Nội có địa chỉ ở 45 Đồng Me, Mễ Trì, Nam Từ Liêm Hà Nội thu phí đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản vượt quá mức qui định của Nhà nước nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý, gây nhiều bức xúc cho người dân.
Công ty TNHH KTM Chi nhánh Hà Nội.
Tiếp xúc với PV, anh Nguyễn Văn H. cho biết, tôi có người nhà đi xuất khẩu lao động sang Nhật, tôi được biết Công ty TNHH KTM có địa chỉ tại 45 Đồng Me, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội thu phí vượt quá rất nhiều so với qui định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khi lên tới 6.000 USD - 6.500 USD; trong khi đó Bộ chỉ cho phép thu cao nhất là 3.600 USD, sao không thấy cơ quan chức năng xử lý gì? Chúng tôi thấy rất bất bình vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Người lao động đi lao động ở nước ngoài rất vất vả, với mức phí như vậy thì bao giờ người lao động mới làm để đủ bù đắp được, còn công ty làm dịch vụ xuất khẩu lao động thì lại hưởng lợi một cách phi pháp, đó là sự bất công cần được xử lý bởi cơ quan chức năng và người có trách nhiệm.
Để xác minh thông tin do bạn đọc phản ánh, PV đã đóng vai là người có người nhà muốn đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản và đã được nhân viên lễ tân của Công ty TNHH KTM - Chi nhánh tại Hà Nội có địa chỉ ở 45 Đồng Me, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội giới thiệu cho một nam thanh niên của Công ty này xuống tư vấn và nhân viên tư vấn này đã tư vấn mức phí đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tới 6.200 USD/1 người với hợp đồng lao động 3 năm. Tiếp đó, ngày 19/4/2019, PV có buổi làm việc với Công ty TNHH KTM - Chi nhánh tại Hà Nội. Đại diện công ty là bà Nguyễn Thị Yến Linh - Phó Giám đốc Công ty lại nói: “Công ty đang thực hiện đúng theo qui định”.
Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng đã xảy ra rất nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực du học, xuất khẩu lao động. Nhiều công ty “ma” được thành lập, họ thuê nhà và hoạt động mang tính thời vụ, chộp giật, lừa đảo, nhanh chóng thu tiền của học sinh và nhanh chóng bỏ trốn, để lại hậu quả cho cơ quan chức năng và những người bị hại.
Cơ quan công an và các cơ quan báo chí cũng đã tiếp nhận nhiều đơn thư tố cáo, phản ánh về tình trạng này, nhiều vụ việc lừa đảo cũng đã được phanh phui và xử lý trước pháp luật. Nhưng, sự lộn xộn, khuất tất vẫn diễn ra hàng ngày, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và gây hoang mang cho người lao động. Do đó, các cơ quan chức năng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều quy định để siết chặt quản lý trong lĩnh vực du học và xuất khẩu lao động, nhằm ngăn chặn và phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo, phạm pháp, trục lợi trên mồ hôi xương máu của người lao động.
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2003 qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại Điều 4 có qui định mức phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với tổ chức dịch vụ việc làm có hành vi thu phí dịch vụ việc làm vượt quá mức qui định.
Trước đó, vào tháng 4/2016, Bộ LĐ-TBXH đã có Văn bản 1123/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Bộ LĐ-TB&XH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Trong văn bản này đã quy định rõ, các khoản phí doanh nghiệp thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/người/hợp đồng một năm. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Nhật.
Để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đề nghị các cơ quan chức năng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo KD&PL