Cục đường sắt xin ý kiến các địa phương khôi phục vận tải hành khách

04/10/2021 07:41

Kinhte&Xahoi Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản xin ý kiến các địa phương về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19.

Ảnh minh họa.

Văn bản của Cục Đường sắt Việt Nam gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. 

Theo đó, thực hiện hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành theo Quyết định 1740 ngày 30/9/2021 của Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam đã xây dựng dự thảo Kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Việc khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; Tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.

Cục Đường sắt yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Sở GTVT, chính quyền địa phương để tổ chức hoạt động vận tải hành khách kết nối giữa vận tải đường bộ và đường sắt bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tại các ga dừng đỗ đón, trả khách trên các tuyến, theo kế hoạch tạm thời phải được chính quyền địa phương nơi có ga đón, trả khách chấp thuận và có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc dừng đỗ để đón, trả khách trên các ga không có trong kế hoạch tạm thời này.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có đường sắt (nơi đi, nơi đến); trước khi kết thúc mỗi giai đoạn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải có báo cáo tổng kết, đánh giá và đề xuất, kiến nghị gửi Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, quyết định áp dụng thực hiện số đôi tàu hoạt động, ga dừng đón, trả khách trên hành trình.

Về tổ chức các tuyến tàu cụ thể như sau:

Tuyến Hà Nội – TP HCM: Giai đoạn 1, từ ngày 7/10/2021 đến ngày 17/10/2021. Giai đoạn này, từ ngày 7/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE7/SE8; từ ngày 8/10/2021 trở đi, dự kiến tổ chức dự kiến tổ chức chạy lại đội tàu SE5/SE6

Giai đoạn 2, từ ngày 18/10/2021 đến ngày 27/10/2021. Trong giai đoạn này, từ ngày 18/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE3/SE4.

Tuyến Hà Nội - Vinh, từ ngày 8/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu NA1/2. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng, giai đoạn 1 từ ngày 7/10 đến ngày 17/10/2021: Từ ngày 8/10 trở đi dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu LP5/6. Giai đoạn 2, từ ngày 18/10 đến ngày 27/10/2021. Giai đoạn này, từ ngày 18/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu LP3/8; từ ngày 18/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu HP2/LP7 vào các ngày cuối tuần.

Tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn, từ ngày 15/10 trở đi, dự kiến tổ chức chạy lại đôi tàu SE21/SE22. 

Từ 1/10/2021 tiếp tục tổ chức chạy thêm các đoàn tàu khách chuyên biệt vận chuyển công dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê khi các địa phương có đề nghị vận chuyển.

Từ ngày 1/11/2021 trở đi, dự kiến chạy lại đôi tàu SNTT/2 tuyến Nha Trang - Sài Gòn và đôi tàu SPT1/2 tuyến Phan Thiết - Sài Gòn. Từ ngày 1/12/2021 trở đi, dự kiến tổ chức chạy các đôi tàu khách theo quy định của biểu đồ chạy tàu. Ngoài ra còn tổ chức chạy thêm một số chuyến tàu khách trên tuyến Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết khi có nhu cầu.

 Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/cuc-duong-sat-xin-y-kien-cac-dia-phuong-khoi-phuc-van-tai-hanh-khach-d167811.html