Đà Nẵng: Nhiều dự án treo, dự án chậm triển khai gây bức xúc

08/07/2020 10:13

Kinhte&Xahoi Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhìn nhận còn nhiều dự án còn dở dang, hạ tầng kỹ thuật chưa được chú trọng rà soát, đôn đốc đầu tư dứt điểm.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án, đồ án quy hoạch chậm triển khai, chưa được rà soát, điều chỉnh theo quy định.

Theo báo cáo số 441/BC-HĐND ngày 01/7/2020 của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Ban Đô thị đã giám sát việc điều chỉnh và chuyển đổi mục đích sử dụng đất (cấp phép công trình thương mại dịch vụ trên các khu đất có mục đích sử dụng đất là đất ở đô thị), tình trạng chuyển đổi căn hộ khách sạn condotel sang căn hộ ở và việc xử lý tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng như tại dự án Cocobay Đà Nẵng, dự án Times Square…


Ngoài ra, Ban Đô thị cũng tham mưu Thường trực HĐND thành phố việc thu hồi một phần diện tích dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu; Việc điều chỉnh Quy hoạch dự án Sân Golf VinaCapital; Việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án Times Square; Việc điều chỉnh giấy phép tại dự án Katsutoshi Grand House (số 02 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thạch Thang, quận Hải Châu).

Đồng thời, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp như: Công ty The Green Solutions có nội dung kiến nghị xin được đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác tại thành phố Đà Nẵng; Liên doanh DMC-579 có nội dung kiến nghị liên quan đến việc thu hồi 02 khu đất A2 và A4 thuộc khu dân cư Nam cầu Trần Thị Lý của Liên doanh DMC-579;

Công ty TNHH Du lịch Khương Lê có nội dung kiến nghị xin được tham gia đấu thầu, khai thác tại dự án Bến Du thuyền Y6 trên địa bàn phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Công ty CP Trung Nam có nội dung kiến nghị liên quan đến việc phê duyệt chuyển quyền cho người dân tự xây dựng nhà đối với 763 lô đất thuộc dự án Golden Hills City - Khu B và Khu C.

Công ty CP Đầu tư Phát triển Làng Vân (thành viên của Tập đoàn Vingroup), có nội dung kiến nghị xem xét cho cập nhật các nội dung quy hoạch liên quan đến Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Công ty liên doanh Tập đoàn Sakae Holdings, có nội dung đề nghị lãnh đạo thành phố sớm tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành có liên quan để Công ty được trình bày toàn bộ ý tưởng về Dự án Đà Nẵng Gateway…

Công tác rà soát, xử lý quy hoạch treo, dự án treo, dự án chậm triển khai đã được chỉ đạo nhưng tiến độ còn chậm, trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều dự án treo (quá 03 năm) ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng dự án (tách thửa, xây dựng, hộ khẩu…).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án, đồ án quy hoạch chậm triển khai, chưa được rà soát, điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điều 2 Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính Phủ, qua theo dõi hiện nay trên địa bàn các quận có nhiều đồ án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, sơ đồ ranh giới sử dụng đất đã hơn 03 năm nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời (Cẩm Lệ có 10 đồ án, quận Liên Chiểu 17 đồ án, Hòa Vang 90 đồ án…).

Liên quan báo cáo thẩm tra, trong báo cáo số 442/BC-HĐND ngày 2/7/20202, Ban Đô thị nhìn nhận còn nhiều dự án còn dở dang, hạ tầng kỹ thuật chưa được chú trọng rà soát, đôn đốc đầu tư dứt điểm, gây bức xúc cho cử tri nhiều địa bàn Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực từ lâu.

Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ của Luật chưa được triển khai như: Lập quỹ nhà ở xã hội, lập quy hoạch khu vực phát triển nhà ở xã hội, các quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản…đã ảnh hưởng nhất định đến chương trình phát triển nhà ở của thành phố.

Chí tính đến ngày 29/11/2019, tổng cộng số công trình hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu tái định cư rà soát: 179 công trình (Trên địa bàn huyện Hòa Vang: 34 công trình; quận Liên Chiểu: 36 công trình; quận Hải Châu: 09 công trình; quận Thanh Khê: 11 công trình; quận Sơn Trà: 26 công trình; quận Ngũ Hành Sơn: 42 công trình và quận Cẩm Lệ: 21 công trình).

Đối với việc xử lý các dự án quy hoạch treo trên địa bàn thành phố, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng đề nghị:

Tập trung rà soát các dự án, đồ án quy hoạch chậm triển khai trên địa bàn theo Khoản 1 Điều 15 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điều 2 Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính Phủ. Từ đó, đề xuất hủy bỏ các dự án không khả thi, các dự án không còn phù hợp, các dự án không đủ điều kiện; thực hiện điều chỉnh các dự án để phù hợp với điều kiện thực tế và quy hoạch tại khu vực.

Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách về xây dựng, sửa chữa nhà ở, tách thửa, chuyển nhập hộ khẩu…nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhân dân trong vùng dự án chậm triển khai. Xác định nguồn lực và kế hoạch cụ thể để triển khai các dự án sau khi rà soát.

Riêng đối với các dự án có vốn ngoài ngân sách thành phố, yêu cầu Chủ đầu tư triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết và đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng; giải tỏa đền bù đối với các dự án quy hoạch chậm triển khai trên địa bàn.

 Nguyễn Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/da-nang-nhieu-du-an-treo-du-an-cham-trien-khai-gay-buc-xuc-d128926.html