Dịch tả lợn châu Phi khắp miền Nam, lãnh đạo Bộ NNPTNT họp gấp

25/05/2019 18:09

Kinhte&Xahoi Đây là lưu ý hàng đầu mà Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đặc biệt nhấn mạnh các tỉnh ĐBSCL phải chủ trọng khi triển khai phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Ngày 25/5, Bộ NNPTTN tiếp tục tổ chức tổ chức hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP tại các tỉnh phía Nam khi mới đây DTLCP đang có dấu hiệu bùng phát mạnh ở một số tỉnh Đông và Tây Nam Bộ.

Tính đến hôm qua, ngày 24/5, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 2.904 xã, 265 huyện của 42 tỉnh, thành phố, với hơn 1,71 triệu con (chiếm hơn 5% tổng đàn lợn cả nước) bị bệnh, buộc phải tiêu hủy.

An toàn sinh học ở các hộ chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Thanh Hiểu

Tại khu vực phía Nam, tổng đàn lợn của Đông và Tây Nam Bộ hiện có gần 6,5 triệu con, chiếm 23% so với tổng đàn lợn của cả nước. Đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 29 xã của 16 huyện thuộc 8 tỉnh phía Nam gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.

Theo ông Bạch Đức Lữu – Phó Cục trưởng Cục Thú y, tuy tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy (4.840 con) chỉ mới chiếm 0,08% tổng đàn lợn trong khu vực nhưng con số này sẽ không dừng lại. Và tốc độ gia tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực phòng chống dịch.

Cục Thú y nhận định thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP sẽ còn tiếp tục phát sinh và lây lan tại địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ là rất cao.

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa tại các tỉnh phía Nam). Các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, rất khó kiểm soát. Việc tiêu độc khử trùng cũng khó theo.

Các tỉnh ĐBSCL cần đặc biệt chú ý nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vì vậy, mầm bệnh dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực. Đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lợn lớn.

Nếu không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học (ATSH), dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát  triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tề, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, việc phòng chống dịch đối với Đông và Tây Nam Bộ có ý nghĩa nhiều mặt đối với ngành chăn nuôi; từ kinh tế tới xã hội, và nhất là vấn đề môi trường.

Nhất là trong điều kiện địa hình đặc thù nhiều sông rạch và thời tiết chuyển mùa hiện nay, chắc chắn sẽ DTLCP sẽ còn lây lan nhanh nêu không quyết liệt. “Từ cá nhân lãnh đạo địa phương cho tới từng người dân, nếu không đồng lòng quyết tâm thì mọi nỗ lực dập dịch bất thành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Bộ NNPTNT, DTLCP sẽ phát triển tiếp theo 3 hướng: lây lan đến các nơi chưa bị nhiễm; các nơi bị nhiễm sẽ tái phát dịch; dịch từ từ nông hộ nhỏ lẻ lây sang trại lớn. Phải hình dung cụ thể từng mối nguy như thế để có biện pháp chi tiết và kịp thời.

Tính chất đặc biệt quan trọng về DTLCP phải quán triệt từ lãnh đạo tỉnh tới từng người chăn nuôi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bộ trưởng nhấn mạnh tính chất đặc biệt quan trọng về DTLCP đòi hỏi phải có sự tập trung quyết liệt của cấp lãnh đạo cao nhất từng tỉnh, từng huyện, từng xã để từ đó có phương án đối phó mới nhất, hiệu quả nhất cho từng cấp. Trong đó, lực lượng vũ trang có vai trò quan trọng trong cuộc chiến với dịch hiện nay. Đối với chăn nuôi nông hộ từ hộ nhỏ lẻ đến hộ lớn, phải con an toàn sinh học là vũ khí duy nhất hiện nay khi chưa có vaccine.

Ngành thú y phải có hướng dẫn chi tiết về an toàn sinh học đến tận người chăn nuôi. Đồng thời, không được chủ quan với bất cứ nguồn lây bệnh nào từ công nhân trong trại, đến các loại động vật như chó, chuột ra vào trại nuôi; càng không nên dùng thức ăn thừa cho chăn nuôi.

Theo Dân Việt/Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Biệt thự, nhà tầng không phép đua nhau “mọc” trên đất nông nghiệp ở TP Thái Bình

Cả dự án đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mục đích nuôi, trồng thủy sản bị biến tướng thành đất ở. Các cá nhân đua nhau xây dựng nhà tầng kiên cố, thậm chí cả biệt thự mái thái hoành tráng như chốn vô pháp, vô cương. Đó là thực tế đã và đang xảy ra tại thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.