Dịch vụ viết luận văn, tiểu luận thuê: "Chợ" bao giờ hết "họp"?
Kinhte&Xahoi
Thay vì mất cả tuần, hằng tháng để hoàn thành bài tiểu luận, luận văn, nhiều sinh viên, học viên đã bỏ tiền thuê người viết hộ. "Chợ" luận văn, tiểu luận thuê đang diễn ra khá sôi động, từ môi trường mạng đến các điểm in ấn, photocopy trước cổng trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vậy đến bao giờ, việc làm gian lận, sai trái này mới bị xử lý và dẹp bỏ?
Việc tăng cường giám sát những cửa hàng photocopy ở khu vực các trường đại học sẽ góp phần giảm tình trạng viết thuê bài tiểu luận, luận văn. Ảnh: Dung Nhi
Dịch vụ sôi động
Trong vai người cần viết tiểu luận về vấn đề sông hồ ô nhiễm cho khóa học ngắn hạn, phóng viên Báo Hànộimới gọi vào số điện thoại 0983.927… được in trên biển hiệu của một cửa hàng photocopy trước cổng Đại học Bách khoa Hà Nội để hỏi về dịch vụ viết thuê. Người nghe điện thoại nhanh chóng báo giá 1 triệu đồng cho tiểu luận dài 20 trang, in màu đẹp, thời gian 3 ngày.
Tại một cửa hàng photocopy trước cổng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (quận Cầu Giấy), người đến nhận tiểu luận, luận văn khá phổ biến. Mọi giao dịch rất cẩn trọng, không nhắc tới từ luận văn hay tiểu luận nhưng khách chỉ cần đọc tên thì được nhận ngay tập tài liệu in màu... Khi phóng viên hỏi về giá viết tiểu luận thuê thì nhận được thông tin, tiểu luận 20-30 trang có giá từ 350.000 đồng đến 2 triệu đồng; luận văn dao động từ 5 đến 10 triệu đồng.
Không chỉ giao dịch ở các cửa hàng photocopy, dịch vụ viết luận văn, tiểu luận thuê cũng khá tấp nập trên các trang mạng xã hội, website. Tại mạng xã hội Facebook, tài khoản “Viết thuê tiểu luận, sáng kiến, đề tài, luận văn” thu hút khách hàng với dòng chữ đậm: “Không phải đặt cọc và kiểm tra bài trước khi chuyển khoản”. Khách hàng có thể mua tiểu luận, bài tập lớn, khóa luận, báo cáo khoa học,... ở các môn tư duy phản biện, giao tiếp, pháp luật đại cương, tâm lý học, nghiệp vụ sư phạm. Từ số điện thoại ghi trên Facebook, phóng viên nhắn tin để thuê viết tiểu luận dài 30 trang và nhận được báo giá 350.000 đồng. Còn luận văn dài khoảng 100 trang thì có giá 2,5-3 triệu đồng, chỉnh sửa đến khi giáo viên chốt nộp lên thì mới phải chuyển tiền.
Tương tự, tìm kiếm trên công cụ Google, hàng nghìn kết quả hiện ra. Ấn tượng nhất phải kể đến trang web “Tri thức cộng đồng”, khách hàng chỉ cần gõ vào trang web này, một cửa sổ chát hiện ra để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Mức giá dịch vụ linh hoạt theo cấp độ bài, chuyên ngành, độ dài, thời gian... Nếu khách yêu cầu kỹ về phân tích số liệu, khảo sát theo phương pháp định lượng hay định tính, yêu cầu chỉnh sửa thêm… giá sẽ cao hơn. Mức độ công khai trên trang web, luận văn tốt nghiệp từ 2,5 đến 15 triệu đồng; luận văn thạc sĩ, cao học từ 13 đến 15 triệu đồng.
Bao giờ kiểm soát được?
Mặc dù dịch vụ viết tiểu luận, luận văn thuê nở rộ nhưng chưa có thống kê cũng như chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm được công bố.
Theo chị Nguyễn Thu H., một sinh viên trên địa bàn quận Cầu Giấy, có cầu ắt có cung. Các tiểu luận, luận văn được cập nhật nhiều trên các trang web, người viết chỉ cần chịu khó cóp, nhặt, liên hệ một chút với thực tế và biết cách đưa các ví dụ vào bài luận sẽ có tác phẩm đạt yêu cầu. Đó chính là “mẹo” để thu hút khách hàng tiềm năng. Cũng theo chị H., thị trường viết thuê có nhiều kiểu người. Người thì cóp nguyên một tiểu luận trên mạng, thay đổi tên họ của khách, rồi thu tiền. Nhiều khách không để ý, nộp luôn cho nhà trường thì có thể bị phát hiện, nhắc nhở, đuổi học. Người nào cẩn thận kiểm tra lại, phát hiện bản sao chép thì báo với người viết thuê sẽ được chỉnh sửa lại, người nào kém may mắn thì bị người viết thuê chặn số, tiền mất, mang bực vào người.
Luật sư Dương Văn Mai, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành động viết thuê hoặc người cố ý thuê người khác viết tiểu luận, luận văn đều là gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý đối với gian lận này. Sinh viên gian dối có thể bị hình phạt của nhà trường là nhắc nhở, cảnh cáo, nặng thì đình chỉ học tập. Còn với người viết thuê, vẫn chưa có quy định nào để áp dụng. Trong khi đó, các giao dịch giữa người thuê và người viết thuê đều chỉ là thỏa thuận miệng, không có hợp đồng ràng buộc nên không có căn cứ xử lý.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, viết luận văn, tiểu luận thuê là hành vi gian lận trong học tập, rất cần lên án. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này. Hiện trên thế giới đang sử dụng công nghệ thông tin để phát hiện các tác phẩm sao chép, đạo nhái. Các trường học ở Việt Nam cũng cần áp dụng mạnh mẽ biện pháp này để chống gian lận học đường; đồng thời, có hình thức xử phạt nghiêm nếu phát hiện sinh viên, học viên nhờ, thuê người khác viết luận văn, tiểu luận.
Dịch vụ viết luận văn, tiểu luận thuê "nở rộ" khiến cho việc trở thành cử nhân, thạc sĩ với nhiều người trở nên dễ hơn và đương nhiên không thực chất. Để dẹp bỏ được "chợ" luận văn, tiểu luận thuê, rất cần có chế tài xử lý nặng hơn với người thuê cũng như người viết thuê. Bên cạnh đó, nhà trường, giáo viên hướng dẫn, hội đồng chấm luận văn, tiểu luận cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng chất lượng các luận văn, tiểu luận để phát hiện gian lận và có hình thức xử lý kỷ luật nặng, đặc biệt với gian lận trong công trình khoa học. Đối với việc công khai mời chào của dịch vụ viết thuê trên mạng xã hội, các cơ quan quản lý cần có biện pháp xử phạt ngay hành vi quảng cáo sai so với giấy phép đăng ký kinh doanh để hạn chế vi phạm.
Kim Vũ - Hà Nội mới