Dự án Khu đô thị Vạn Phúc, TP Hồ Chí Minh: Sau hơn 10 năm thực hiện vẫn ngổn ngang, um tùm cỏ dại

22/01/2019 11:21

Kinhte&Xahoi Sau cả hơn 10 năm thực hiện, đến nay Dự án Khu đô thị Vạn Phúc (Van Phuc City - quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư vẫn còn nhiều ngổn ngang, nhiều nơi cỏ mọc um tùm.

Theo tìm hiểu, năm 1994, Kiến trúc sư trưởng TP.Hồ Chí Minh có Quyết định 4919/KTS-QH về việc duyệt quy hoạch chi tiết khu văn hóa giải trí, thể dục thể thao, sân golf cây xanh thuộc xã Hiệp Bình Phước, huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức), với tổng diện tích gần 200 ha.

Dự án Khu đô thị Vạn Phúc có mặt tiền đường Quốc lộ 13, thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích gần 200 ha, được chủ đậu tư quảng bá là “Kiệt tác ven sông Sài Gòn”, “Đặc quyền lựa chọn của giới thượng lưu”…

 

Sau một thời gian “nằm im”, đến năm 2001, UBND TP.Hồ Chí Minh có Quyết định 8237/QĐ-UB giao 5.084 m2 đất tại dự án này cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ - công chức thuộc Văn phòng Chính phủ.

Đến năm 2004, TP.Hồ Chí Minh lại có Quyết định 256/QĐ-UB thu hồi 177,7265 ha đất (gồm cả 5.084 m2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ - công chức thuộc Văn phòng Chính phủ) và giao 198,5824 ha đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước.

Theo quyết định này, sau khi xong hạ tầng công ty này phải bàn giao toàn bộ diện tích lại cho UBND TP để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần theo quy định pháp luật về đất đai.

Cuối năm 2004, UBND TP.Hồ Chí Minh giao 3 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở. Trong đó, giao một dự án cho Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu quận 1 (theo Quyết định 6492/QĐ - UB); giao 2 dự án cho Công ty quận 6 (Quyết định 6496/QĐ - UB).

Đến ngày 24/10/2005, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 5458/QĐ - UBND để điều chỉnh Quyết định 6492/QĐ – UB. Theo đó, điều chỉnh, bổ sung Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Vạn Phúc là chủ đầu tư.

Sau đó không lâu, ngày 15/11/2006, UBND TP.Hồ Chí Minh có Quyết định 5222/QĐ - UBND điều chỉnh, bổ sung 3 quyết định định trước đó là Quyết định 256/QĐ - UB, Quyết định 6495/QĐ - UB, Quyết định 6496/QĐ-UB với nội dung: “Giao Công ty TNHH Vạn Phúc tổ chức xây dựng hạ tầng chung dự án và thực hiện dự án thành phần tại khu đất trước kia đã giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6”.

Dự án Khu đô thị Vạn Phúc được chủ đầu tư giới thiệu là "kiệt tác bên sông", dự án có quy mô 198ha, vốn đầu tư lên đến 2 tỷ đô. Đến nay, sau hơn thập niên thực hiện dự án vẫn còn nhiều ngổn ngang, nhiều nơi cỏ mọc um tùm.

Được biết, việc kiện tụng từ người dân do chính sách đền bù giải toả được cho là không hơp lý vẫn đang tiếp diễn.

Theo quảng cáo, Vạn Phúc City tích hợp hàng loạt các tiện ích như, công viên cây xanh ven sông, bến du thuyền, tổ hợp trung tâm thương mại cao cấp, khu ẩm thực, phòng gym, sân tennis, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, hệ thống 10 trường học từ mẫu giáo đến phổ thông cơ sở chuẩn quốc tế, bệnh viện đa khoa chuẩn quốc tế. Vào sâu bên trong dự án còn nhiều điểm cỏ mọc um tùm. Ảnh: Q.V

 

Sau hơn 10 năm thực hiện dự án mới chỉ triển khai một phần diện tích xây dựng nhà phố thương mại. Các nhà phố, shophouse được xây san sát nhau dọc theo trục đường chính Nguyễn Thị Nhung. Theo quảng cáo, những căn nhà này có giá từ 5 tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Q.V

 

Càng đi sâu vào bên trong dự án, phần lớn diện tích đất vẫn bỏ trống sau khi làm đường phân lô, nền. Ảnh: Q.V

 

Càng đi sâu vào bên trong dự án, phần lớn diện tích đất vẫn bỏ trống sau khi làm đường phân lô, nền. Ảnh: Q.V

 

Công viên giải trí tầm cỡ quốc tế Ocean World Ho Chi Minh quy tụ các loại hình giải trí “hiện đại bậc nhất tại Việt Nam” có diện tích 21ha vẫn chỉ là bãi đất đầy cỏ, đang được rào chắn kín cổng cao tường. Ảnh: Q.V

 

Mới đây, sự việc cháu Phạm Tấn Phát (11 tuổi, quê Sóc Trăng) bị đuối nước tử vong bên trong dự án Khu đô thị Vạn Phúc City khiến nhiều người bàng hoàng. Nơi bé Phát xảy ra chuyện là một đầm lầy rộng, nước sâu nhưng không có bất kỳ rào chắn, cảnh báo an toàn nào. Trong ảnh, Con kênh đào mang tên Sông Trăng dài 2km vẫn còn ngổn ngang. Ảnh: Q.V

 

Công trình hồ Đại Nhật có quy mô 21 ha vẫn chỉ là vũng nước. Theo quảng cáo, kênh Sông Trăng là yếu tố chính kết nối, luân chuyển phù sa, vượng lộc của sông Sài Gòn đến hồ Đại Nhật. Ảnh: Q.V

 

Rào chắn quảng cáo về một bệnh viện quốc tế hiện đại, đẳng cấp trong khu đô thị Vạn Phúc...Ảnh: Q.V

 

…Tuy nhiên, bên trong rào chắn vẫn chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Q.V

 

Thời gian gần đây, dự án Vạn Phúc City vấp phải sự phải ứng của dư luận bởi công trình kè bờ bảo vệ sông tại đây có biểu hiện lấn sông Sài Gòn. Ảnh: Q.V

 

Hiện, nhiều đoạn bờ kè đã hoàn thiện, một đoạn khác đang rào chắn, trên lòng sông Sài Gòn nhiều sà lan chở cát xếp hàng neo đậu. Ảnh: Q.V

 

Được biết, nhiều người bị lấy đất đang kiện do chính sách đền bù giải toả được cho là không hơp lý. Ảnh: Q.V

 

Theo Ngaymoionline/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Trưởng thôn bị dân tố trộm cành cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ

Hai cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, HN) từng được định giá đến 100 tỷ đồng. Từ cuối năm 2018 UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép người dân bán 2 cây sưa này để lấy tiền công ích. Trong khi chờ được bán cây, bất ngờ Trưởng thôn bị người dân tố cắt trộm cành đem bán.