Giáo viên nhận định gì về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn?

07/07/2022 11:20

Kinhte&Xahoi TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố.

Cụ thể, theo cô Tuyết, Phần I: Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết; Trong đó, câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; Câu 2 yêu cầu nhận biết yếu tố từ loại trong 4 câu thơ đầu - đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh.

Thí sinh rời phòng thi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn sáng 7/7

Dù như quan điểm của dư luận nói chung, số lượng 2 câu hỏi nhận biết đã làm bớt đi 1 mức độ nhận thức trong 4 câu hỏi Đọc hiểu; Phần nào hạ thấp khả năng nhận thức của phần đông thí sinh. Nên chăng, từ những kì thi sau, số lượng 4 câu Đọc hiểu nên phân bổ đều theo mức tăng dần của 4 mức độ nhận thức: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ. Câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và biểu cảm của hai phép so sánh “như sao trời mát mắt… như lửa thiêng liêng…”.

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh nhận xét về những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải nhận ra được những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hy sinh của tuổi trẻ đối với đất nước, chủ yếu thể hiện trong 6 câu cuối đoạn; Đồng thời thể hiện quan điểm riêng của mình để có thể nhận xét một cách sâu sắc, thấu đáo với cả sự chia sẻ hoặc phản biện.

Tuy nhiên, câu hỏi này có thể sẽ đưa đến những cách trả lời chung chung, hời hợt nếu thí sinh không nhận ra được suy ngẫm của tác giả và bản thân không có tư duy độc lập.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hi sinh của tuổi trẻ với đất nước; Sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.

Phần II: Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu. Đó là yêu cầu “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”.

Nếu nhìn tổng thể những khía cạnh có thể yêu cầu nghị luận về một vấn đề như: Biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa/hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động cho bản thân… thì yêu cầu “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” hướng tới khía cạnh cuối cùng. Đó là liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân và cộng đồng, cụ thể là của thế hệ trẻ.

Yêu cầu này có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng… Hơn thế nữa, nếu thí sinh không đọc kĩ câu lệnh “trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”, có thể các em sẽ nhầm lẫn sang việc trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước.

Câu lệnh cũng có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh xung quanh cách hiểu về việc “tiếp bước thế hệ đi trước” - bao hàm cả tiếp nhận những giá trị của thế hệ trước và phản biện với những bất cập, lạc hậu để có thể phát triển.

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: sau đoạn trích của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: Phân tích đoạn trích trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” và “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.

Đoạn trích ngắn miêu tả phát hiện thứ nhất của Phùng về “chiếc thuyền ngoài xa” - “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” với suy nghĩ, cảm xúc và những nhận thức, phát hiện mới mẻ, bất ngờ về sức mạnh kì diệu của cái đẹp. Đó là yêu cầu vừa sức với thí sinh trong đề thi có thời lượng 120 phút cho 3 câu. Yêu cầu thứ hai đề cập đến một trong những giá trị của tình huống nhận thức cũng là đơn vị kiến thức quen thuộc với thí sinh, và có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc độc đáo hơn về “mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.

Câu nghị luận văn học tuy đề cập những đơn vị kiến thức cơ bản và quen thuộc nhưng khi đặt ra sự liên hệ với hình ảnh con thuyền trong hai thời điểm (đầu và cuối truyện), trong 2 cự li (chiếc thuyền khi ở ngoài khơi xa, được cảm nhận như một cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh; Chiếc thuyền đang vật vã chống chọi với sóng gió giữa cơn bão biển dữ dội ở cuối truyện, gợi ra những suy tư bất an về thân phận con người) đã tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giao-vien-nhan-dinh-gi-ve-de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-200457.html