Hà Nội: Hàng nghìn hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

05/07/2022 19:48

Kinhte&Xahoi 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Những con số ấn tượng

Tại quận Hai Bà Trưng, trong 20 năm thực hiện tính dụng chính sách, đến nay, nguồn vốn này đã được triển khai đến 100% phường. Lũy kế 20 năm qua đã giải ngân tới 1.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và giải quyết việc làm cho trên 30.000 lượt lao động, giúp trên 1.500 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, 259 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn quận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) quận cho rằng, những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tại huyện Ứng Hoà, đại diện Ngân hàng CSXH huyện cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến với 100% các thôn, xóm, cụm dân cư trên địa bàn huyện, giúp cho hơn 142.926 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hành CSXH.

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã góp phần giúp cho hơn 69.884 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 33.388 lao động...

Người dân được nhận giải ngân khoản vay cho học sinh sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập. (Ảnh: Thiện Tâm)

Tại huyện Thanh Trì, các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Trung ương đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Trì Nguyễn Hữu Thành cho biết: Tổng doanh số cho vay trong 20 năm đạt: 1.522,6 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ 20 năm đạt 1.084,9 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 15/6/2022 đạt 444,6 tỷ đồng đạt 97,7% kế hoạch năm 2022, tăng 434,7 đồng so với năm 2003, tỉ lệ tăng trưởng bình quân năm 21%.

Tính đến 15/6/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 445.993 triệu đồng, tăng 435.812 triệu đồng (gấp 44 lần) so với thời điểm Nghị định số 78/NĐ-CP được ban hành, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân là 21%/năm.

Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 252,7 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ thành phố Hà Nội là 182,5 tỷ đồng, chiếm 41% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại huyện là 10,4 tỷ đồng, chiếm 2% tổng nguồn vốn.

Tính từ năm 2003 đến nay, thông qua các nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã cùng các cấp, ngành ở địa phương nỗ lực giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện, đến cuối năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn còn là 21 hộ, chiếm 0,02% số hộ trên địa bàn.

Tại huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận cho biết, trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, huyện đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng CSXH cho vay được 62.058 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 1.311 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 879 tỷ đồng.

Tổng dư nợ 10 chương trình tính dụng chính sách đến 31/5/2022 đạt 459,4 tỷ đồng, tăng 440,5 tỷ đồng, gấp 26 lần so với dư nợ khi thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 15%, với 10.260 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân là 44,8 triệu đồng/khách hàng, tăng 40,3 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập. Trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,1 triệu đồng/hộ, tăng 38,6 triệu đồng/hộ so với khi thành lập.

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, đời sống người dân ở nhiều địa phương được cải thiện đáng kể.

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Đức Nguyễn Xuân Phong, đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Đặc biệt, đã giúp cho 20.820 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, trong đó, có 5.192 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 20.000 lao động. Vốn vay tín dụng cũng giúp cho trên 5.200 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 17.400 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp xây dựng, sửa chữa 123 ngôi nhà cho hộ nghèo...

“Vốn tính dụng chính sách còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Qua đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo…”, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Đức cho biết.

Tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình

Theo Trưởng Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban đại diện Ngân hàng CSXH Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tính dụng chính sách xã hội trên địa bàn Thành phố trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tính dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH.

Trong thời gian tới, các quận, huyện tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn và của các Điểm giao dịch tại các phường trên địa bàn để chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội.

Chú trọng đẩy mạnh, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động và mọi tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đối với hoạt động tín dụng CSXH...

H.Phong - C.Phương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ha-noi-hang-nghin-ho-thoat-ngheo-nho-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-142625.html