Tòa soạn Phapluatplus (Báo Pháp luật Việt Nam) nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân thuộc tổ dân phố số 3, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội phản ánh về việc chính quyền không xác định đúng loại đất dẫn đến việc khi thu hồi đất làm dự án đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Đơn kêu cứu khẩn cấp của các hộ dân thuộc tổ dân phố số 3, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Cụ thể, trong đơn thư nêu rõ
“vào đầu những năm 2000 chúng tôi đã mua nhà được xây trên đất, đa số đất đã được đóng thuế nhà đất từ những năm 2001 và chuyển về đây sinh sống ổn định đến bây giờ.
Khi chúng tôi xây dựng nhà công khai không một cơ quan nào có ý kiến. Và còn cấp số nhà cho chúng tôi, đăng kí hộ khẩu thường trú cho chúng tôi ngay trên chính mảnh đất nơi chúng tôi xây nhà.
Khi đang yên tâm sinh sống, làm việc và lao động thì tháng 9/2016 chúng tôi nhận được thông báo ngôi nhà mà chúng tôi đang sinh sống ổn định này nằm trong quy hoạch thuộc dự án xây dựng tuyến đường Ao dài.
Chưa hết bàng hoàng, ngày 10/3/2017, chúng tôi nhận được giấy mời của UBND phường thông báo về việc niêm yết công khai, lấy ý kiến về dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với từng hộ gia đình.
Trong phương án chỉ ra rằng, thửa đất mà chúng tôi sinh sống là đất công ích thuộc quản lý của UBND phường Đức Thắng và các hộ dân ở đây sẽ không được bồi thường về đất.
Một trong những khu đất của người dân bị thu hồi.
Cũng theo nội dung đơn thư, vì quá bức xúc các hộ dân đã làm đơn khiếu nại và được UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức họp đối thoại. Tuy nhiên cho đến nay, đã gần 6 tháng kể từ ngày các hộ dân nhận được thông báo thụ lý đơn khiếu nại họ vẫn không được giải quyết đơn khiếu nại của mình.
Bên cạnh đó, tại các buổi làm việc, UBND quận Bắc Từ Liêm không chỉ ra được các tài liệu, căn cứ chứng minh thửa đất mà các hộ dân đang sinh sống ổn định trên đó là đất công ích thuộc quản lý của UBND phường Đức Thắng.
Các hộ dân ở đây chia sẻ, từ khi nhận được thông báo, cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Lúc nào cũng sống trong cảnh thấp thỏm lo âu không còn tâm trí nào để lao động, chăm lo cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, xã hội. Trong khi những khúc mắc của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng nhưng không biết sẽ chịu cảnh “màn trời chiếu đất” lúc nào.
Trao đổi với PV Pháp luật Plus ông Ngô Quốc Thái (cán bộ quân đội nhân dân Việt Nam) hoang mang cho biết: “
Gia đình tôi có 4 anh em là quân đội, trong những năm tháng chiến đấu vì tổ quốc ấy em tôi đã ngã xuống và được công nhận là liệt sĩ. Còn tôi sau khi rời quân ngũ làm ăn tích góp được ít tiền mua mảnh đất này để làm ăn, sinh sống. Khi nhận được thông báo của chính quyền tôi hết sức ngỡ ngàng khi biết rằng đất mình ở là đất công ích”.
“Tôi luôn đồng tình với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển hạ tầng địa phương, tuy nhiên nếu bây giờ bị thu hồi mà không được hỗ trợ thỏa đáng thì hai vợ chồng già tôi chỉ còn cách ra đường ở thôi”. Ông Thái nghẹn ngào cho biết thêm.
Tiếp lời ông Thái, Chị Điền Thị Hạnh một công dân khác chia sẻ:
“ Gia đình tôi mua căn nhà này từ đầu những năm 2000. Thực tế đất khi mà tôi mua đã được đóng thuế nhà đất từ năm 2001. Làm ăn sinh sống ổn định ở đây, tuy nhiên chính quyền chưa bao giờ thông báo rằng khu đất chúng tôi đang ở là đất công ích.
Sinh sống ở đây chúng tôi đã được cấp sổ hộ khẩu, cấp điện, cấp nước và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với tổ dân phố và chính quyền. Khi nhận được thông báo sẽ thu hồi đất mà đất này là đất công ích tôi mất ăn mất ngủ mấy tháng liền.
Chồng tôi là bộ đội, hay công tác xa nhà nay lại gặp chuyện này tôi thấy ra lo sợ rồi gia đình, con cái chúng tôi sẻ ở đâu. Mong các cấp chính quyền giải quyết thỏa đáng cho gia đình chúng tôi”.
Sổ hộ khẩu của gia đình chị Điền Thị Hạnh.
Cũng trong cuộc trao đổi với PV Phapluatplus.vn thì nhiều hộ dân ở đây không đồng tình với UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND phường Đức Thắng trong quá trình xác định loại đất để tiến hành bồi thường, hỗ trợ các hộ gia đình có đất bị thu hồi, cụ thể các hộ dân đặt ra nghi vấn:
Năm 2016 sau khi nhận được thông báo chúng tôi đang sống trên đất công ích chúng tôi đã làm đơn thư gửi đến cơ quan chức năng đề nghị làm rõ về nguồn gốc đất nhưng tại sao trong những lần đối thoại với dân, UBND phường Đức Thắng không đưa ra được những bằng chứng chứng minh đây là đất công ích?
Nếu đây là đất công ích thì tại sao chính quyền lại để chúng tôi sinh sống ổn định gần 20 năm nay và thu thuế nhà đất của chúng tôi đến những năm 2010?
Tại sao chúng tôi sinh sống, làm ăn ngần ấy năm ở đây nhưng khi thu hồi đất làm dự án mới thông báo với chúng tôi là đất công ích mà không phải từ lúc chúng tôi bắt đầu cư trú ở đây?
Theo tìm hiểu của PV, đa số các hộ gia đình đã được đóng thuế đất từ năm 2001 (chuyển từ thuế đất nông nghiệp sang đóng thuế nhà đất) bởi lý do đất trước năm 2001 do HTX Đông Thắng quản lý giao cho xã viên sử dụng là đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, do ruộng trũng chuột cắn phá nhiều năm không canh tác được, các hộ gia đình đã tiến hành trồng cây lâu năm và làm nhà để trông nom, có làm đơn xin cắt thuế sử dụng đất nông nghiệp để chuyển sang đóng thuế nhà đất.
Người dân cũng đã tiến hành nộp tờ khai thuế đất lên Chi cục thuế huyện Từ Liêm từ năm 2003, việc này cũng đã được HTX Đông Thắng, cán bộ thuế xã Đông Ngạc cũ xác nhận.
Biên lai thu thuế nhà đất của một hộ dân.
Liên quan đến vấn đề này PV Phapluatplus.vn đã có buổi làm việc với ông Cấn Văn Duẩn, phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Đức Thắng, quận Bắc Từ liêm, Hà Nội.
Tại buổi làm việc ông Duẩn cho hay UBND phường đã giải quyết những kiến nghị này của dân từ năm 2017.
Ngay sau khi nhận được những bức xúc của người dân UBND phường cũng đã nhiều lần tổ chức các buổi đối thoại với người dân.
Phía chính quyền cũng đã cho người dân xem tất cả các giấy tờ hồ sơ quản lý từ bên phường Đông Ngạc chuyển sang đến hồ sơ quản lý của phường, bản đồ từ năm 1999 đến bây giờ đều thể hiện là đất công ích.
Vấn đề này nếu các đồng chí (tức PV) muốn hiểu rõ thì các đồng chí xuống gặp các cán bộ làm tổ dân phố qua các thời kỳ, họ là người sinh sống tại địa phương và nắm rất rõ.
Ông Cấn Văn Duẩn, phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Đức Thắng, quận Bắc Từ liêm, Hà Nội trong buổi làm việc với PV Phapluatplus.vn.
Về việc tại sao nhiều hộ gia đình đều được cấp số nhà, sổ hộ khẩu, điện, nước, ông Duẩn cho biết, nhà này không nằm trong quỹ số nhà của phường cấp mà do tổ dân phố người ta tự lắp đặt để dễ quản lý.
Câu trả lời của người đứng đầu UND phường Đức Thắng là thế, nhưng khi phóng đặt câu hỏi việc tổ dân phố tự ý cấp số nhà như thế có đúng không và dựa theo quy định nào thì ông Duẩn không trả lời.
Về Sổ hộ khẩu được cấp thì một số hộ được chuyển hộ khẩu nhưng không phải chuyển vào vị trí đất ấy. Khi người ta chuyển khẩu đến đây họ có thể nhập khẩu vào gia đình anh chị em sau đó tách ra. Ông Duẩn trao đổi. Tuy nhiên, theo người dân cho biết họ được cấp sổ hộ khẩu trên đúng mảnh đất họ đang sinh sống.
Về việc thu thuế nhà đất, ông Duẩn cho biết, ngày xưa không phải thu thuế đất phi nông nghiệp như bây giờ. Từ trước năm 2011 là tất cả bất kỳ ai sử dụng đất mà không phải là đất sản xuất thì đều thu tiền chứ không phải thu thuế đất ở.
PV đặt câu hỏi nếu là đất công ích thì tại sao lại thu tiền thuế của người dân?. Lúc này ông Duẩn cho hay, cái đấy thì phải xem lại tất cả giấy tờ của người dân có phải thu đúng đúng vị trí không hay họ (Tức người dân – PV) lại mang biên lai ở chỗ khác đến cho mình xem, cũng là tên người ấy nhưng nhà lại có đất ở chỗ khác. Cái đấy muốn biết chính xác thì phải đi điều tra, phường không có trách nhiệm phải đi xác minh mấy cái ấy.
Đơn xin nộp thuế đất của một hộ dân năm 2003.
Tiếp đến PV đặt câu hỏi, người dân thắc mắc quy hoạch dự án con đường này năm 2008 nhưng người dân đã sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai từ trước đó rất lâu vậy có hay không phường Đức Thắng tự ý sửa đổi lại quy hoạch, nắn chỉnh quy hoạch vào bên trong để rất nhiều hộ gia đình mất đất, mất nhà, trong khi đất lưu không còn rất nhiều?
Về vấn đề này, ông Duẩn cho biết, quy hoạch thì không ai chỉnh được. Quy hoạch Bắc Cổ Nhuế - Chèm đã được phê duyệt từ năm 2008 và có tầm nhìn đến năm 2030, trong đó con đường này đã có rồi chứ không phải bây giờ phường mới đề xuất làm con đường này.
Được biết, ngày 28/9/2019, Đoàn công tác của UBND Quận do đồng chí Trần Thế Cương, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm làm Trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Đức Thắng cùng các phòng ban liên quan của quận và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư dự án; Rà soát 08 hộ đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất, các hộ đủ điều kiện cưỡng chế; Ưu tiên tổ chức cưỡng chế các hộ sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 30/10/2019; Khẩn trương tham mưu phê duyệt phương án đối với 04 hộ (02 hộ đất ở, 02 hộ đất nông nghiệp) trước ngày 5/10/2019; Phê duyệt 17 hộ còn lại trước ngày 05/11/2019; đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến trước ngày 31/12/2019.
Chủ trì, phối hợp phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND phường rà soát, xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện Dự án, báo cáo Lãnh đạo UBND Quận trước ngày 10/10/2019…
Thiết nghĩ, TP Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm cần vào cuộc làm rõ những khúc mắc của người dân, xác định rõ nguồn gốc, quỹ đất công ích thuộc dự án đường Ao dài tại phường Đức Thắng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.