Xem nhiều

Hạ về lại khắc khoải “nỗi buồn hoa phượng”

06/06/2020 07:28

Kinhte&Xahoi “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi/ Phút gần gũi nhau mất rồi/ Tạ từ là hết người ơi…”. “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn ra đời cách đây gần 60 năm, nhưng cho đến bây giờ ca khúc này vẫn làm xao xuyến trái tim bao lớp tuổi học trò mỗi độ hè về.

Nỗi buồn mang tên “Hoa Phượng”

Nhạc sĩ Thanh Sơn (1938 - 2012) viết hơn 500 bài hát, trong đó có hơn 200 ca khúc viết về lứa tuổi học trò. Với ông, đó là thời gian rất đẹp. Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông phải kể đến “Ba tháng tạ từ”, “Lưu bút ngày xanh”, “Hạ buồn”, “Thương ca mùa hạ” và đình đám nhất là “Nỗi buồn hoa phượng”.

 
Sinh thời, trong một lần trò chuyện với nhiều người yêu âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết, một đời ông đam mê âm nhạc và sáng tác nhiều bài hát, được đông đảo công chúng mến mộ, song mai này chỉ mong người đời khi nhớ đến Thanh Sơn thì hãy nhớ về “Nỗi buồn hoa phượng”.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình có 12 anh chị em, Lê Văn Thiện (tên thật của nhạc sĩ Thanh Sơn) là người con thứ 10. Tuổi thơ của ông rất cơ cực vì phải theo gia đình dọn nhà di chuyển nhiều nơi. Chuyện học hành của ông vì thế dang dở. 

Nhạc sĩ Thanh Sơn từng kể, năm 1951, khi học Trường Trung học Hoàng Diệu (tỉnh Sóc Trăng), ông đã để ý đến cô bạn cùng lớp. Đó là người con gái dễ thương, có cái tên cũng thật đặc biệt - Nguyễn Thị Hoa Phượng. Cũng vì cái tên đặc biệt này mà thầy cô và bạn bè trong trường không bao giờ gọi tên người con gái này bằng một chữ “Phượng”, mà lúc nào cũng là “Hoa Phượng”.

Hoa Phượng là con của một gia đình công chức từ Sài Gòn về làm việc tại Sóc Trăng. Cậu học trò tên Thiện học chung với Hoa Phượng được hơn một năm, tình cảm đang dần trở nên thắm thiết thì bất ngờ mùa hè năm sau cô gái cho biết gia đình cô đã được điều chuyển về lại Sài Gòn. 

Trước ngày chia tay, Hoa Phượng có tìm gặp Thiện nơi sân trường để nói lời từ biệt. Hai người chẳng nói gì nhiều, chỉ lặng nhìn nhau. Một hồi lâu sau, Thiện hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc thì Hoa Phượng cúi xuống nhặt một cánh phượng trao cho Thiện và nói: “Em tên là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em”. Rồi từ đó 2 người bặt tin nhau.

Hình ảnh giới thiệu nhạc sĩ Thanh Sơn khi còn là ca sĩ.

Năm 1955, cậu học trò tên Thiện phải bỏ học giữa chừng để chen chân vào cuộc mưu sinh ở Sài Gòn. Nơi chốn phồn hoa đô hội, sau những tháng ngày khó khăn, tủi hờn, Thiện may mắn được một gia đình giàu có nhận làm gia nhân với mức lương khá hậu hĩnh so với thời giá lúc đó - 150 đồng/tháng. 

Thời còn ở quê nhà Sóc Trăng, Thiện được nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu nổi tiếng dạy đàn ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960) nhận làm học trò. Và khi đến Sài Gòn mưu sinh, chàng trai vẫn rất mê nhạc. Nhờ tính tình hiền lành, được lòng ông chủ nên Thiện được phép tranh thủ những giờ rảnh để theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của Thiện là chép và kẻ khung nhạc.

Thời ấy, mỗi năm Đài Phát thanh Sài Gòn đều có tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ. Năm 1959, chàng trai Lê Văn Thiện đăng ký dự thi tuyển lựa ca sĩ với nghệ danh Thanh Sơn qua bài hát “Chiều tàn” của nhạc sĩ Lam Phương. 

Và thật bất ngờ, thí sinh Thanh Sơn đã đoạt giải nhất trong cuộc thi năm ấy. Phần thưởng là chiếc máy radio và cây đàn guitar. So với phần thưởng của các giải âm nhạc bây giờ thì quá chẳng là gì, nhưng đó là đòn bẩy đưa Thanh Sơn thế giới âm nhạc và nổi tiếng về sau.

Sau cuộc thi này, ca sĩ Thanh Sơn đã được ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng mời về cộng tác. Giọng hát của ca sĩ trẻ này được nhiều nơi mời chạy sô.

Cũng trong thời gian này, Thanh Sơn bắt đầu tập tành sáng tác. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Thanh Sơn là “Tình học sinh” sáng tác năm 1962, nhưng bài hát này không tạo được nhiều dư âm. Thế rồi một buổi trưa đi ngang qua một ngôi trường đang mùa phượng nở, những kỷ niệm của thuở học trò có thấp thoáng bóng dáng của Nguyễn Thị Hoa Phượng ùa về và ca khúc “Nỗi buồn hoa phượng” ra đời năm 1963. 

 Cố nhạc sĩ Thanh Sơn.

“Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình thư sinh rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Dường như màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy”, cố nhạc sĩ Thanh Sơn từng chia sẻ.

Trên bìa nhạc bài “Nỗi buồn hoa phượng” phát hành trước năm 1975 để tên tác giả là Thanh Sơn - Lê Dinh là vì năm 1962, nhạc sĩ Thanh Sơn có sáng tác bài đầu tay là “Tình học sinh”, nhưng ca khúc này không gây được tiếng vang. Đến năm 1963, khi sáng tác ca khúc thứ 2 là “Nỗi buồn hoa phượng”, nhạc sĩ Thanh Sơn có đem đến cho nhạc sĩ Lê Dinh xem qua và góp ý (thời gian này nhạc sĩ Lê Dinh là chủ sự phòng sản xuất của Đài Phát thanh Sài Gòn). Nhạc sĩ Lê Dinh sau đó đã đồng ý đứng tên chung ca khúc này để dễ ăn khách hơn. 

Bâng khuâng nhớ thuở học trò

Ca từ và giai điệu của “Nỗi buồn hoa phượng” đã nhanh chóng đi vào lòng người yêu nhạc thời đó và cho đến bây giờ vẫn làm những trái tim tuổi học trò xao xuyến: “… Giã biệt bạn lòng ơi/ Thôi nay xa cách rồi/ Kỷ niệm mình xin nhớ mãi/ Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc/ Mối u hoài này ai có hay...”.

Cứ độ hè sang, những cơn mưa rào chợt rơi vội vã, nắng giòn tan lấp ló dưới hàng cây, những chùm phượng vĩ đỏ rực những góc trời. Chẳng thế mà phượng vĩ lại trở thành một thứ biểu trưng đặc biệt cho mùa chia tay của những cô cậu học trò.

Bao mùa phượng đi qua, bao mùa bằng lăng đến, tất cả có ai nhớ, ai quên. Tuổi học trò đã lớn lên cùng nhiều mùa phượng như thế, thật êm đềm. Học, chơi và mơ mộng, như thể trên đời chẳng có sự chia xa.

Bìa nhạc bài nỗi buồn hoa phượng phát hành trước năm 1975.

Ngày tháng qua, hoa phượng vẫn đỏ rực như lửa cháy làm bùng lên nhiệt huyết, quyết tâm học hành của đám học trò nghịch ngợm. Thế rồi cuối cấp… ai cũng có dự định riêng cho bản thân và tập chung vào ôn thi đại học. Hy vọng một cánh cửa tương lai sẽ mở ra, một thế giới mới cho những kẻ đang lớn dần. Phượng lại nở, lại rơi rực rỡ khắp sân trường.

Tiếng ve vốn đã buồn, càng buồn hơn khi não ruột cất lên vào mùa hè biệt ly. Rồi, giã biệt từ nay, tạ từ chuỗi thời gian đẹp nhất. Và mối tình tuổi học trò trắng trong để lại dấu in đậm đà trong nỗi nhớ, biết đến bao giờ mới nhạt phai kỷ niệm.

Khi xa nhau rồi, nếu ai đã từng nhặt loài hoa lên, thấy màu phượng buồn thương tâm gợi nhắc bao kỷ niệm một thời sân trường áo trắng, mới thấu hiểu nỗi vắng xa nhớ nhung người thương, giờ đây biết tìm nơi đâu trên đường đời vạn ngả.

Rồi, khi một mình trở về hoặc một mình nhớ lại mái trường xưa, tiếng ve càng nức nở hơn, bâng khuâng hỏi cố nhân biết còn nhớ đến con đường xưa ân tình cũ. Những chiều hẹn nhau đã lùi lại vào màu thương tâm của hoa phượng, vào tiếng ve gợi niềm thương dĩ vãng da diết đến muôn niên. Kỷ niệm hoa mộng kia “giờ như nước trôi qua cầu”. Có nhớ nhau chăng cũng không ai ngăn được dòng thời gian vô tình…

Chiều nay, ngang qua trường cũ, chợt thấy “màu hoa phượng thắm như máu con tim”… thoáng một tà áo dài bay trong gió mênh mang. 

Đình Phùng/ Biên soạn

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-ve-lai-khac-khoai-noi-buon-hoa-phuong-d126255.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com