Hàng trăm nghìn sản phẩm nghi nhập lậu trong kho hàng Công ty Công nghệ Dotcom

28/05/2022 20:13

Kinhte&Xahoi Kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm nghi nhập lậu.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 27/5, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã bất ngờ kiểm tra nhiều công ty trên địa bàn thành phố, phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra kho rộng gần 500m2 của Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Dotcom (tại địa chỉ 45/20 Lương Minh Nguyệt, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM) phát hiện hơn 100.000 sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, son, nước tẩy trang... nghi nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là ông Phạm Trí Nguyên không xuất trình được hóa đơn mua bán, giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp.

Các sản phẩm nghi nhập lậu (Ảnh: DMS)

Bước đầu xác định toàn bộ số mỹ phẩm này đều do Trung Quốc sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ lô hàng chưa đăng ký giấy phép kinh doanh.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyên thừa nhận số hàng mua trôi nổi trên thị trường từ các nguồn khác nhau, sau đó bán lại trên mạng xã hội kiếm lời. Toàn bộ sản phẩm có giá trị khoảng 6 tỷ đồng.

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP HCM cũng kiểm tra cơ sở kinh doanh và hai kho hàng của Công ty TNHH Kamiki (địa chỉ: Hẻm 43 Thành Thái, quận 10, TP HCM) phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa bột... không rõ nguồn gốc, nghi nhập lậu.

Các mặt hàng trên đều bị lực lượng chức năng tạm giữ để điều tra làm rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Dotcom thành lập tháng 4/2022, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính.

Công ty TNHH Dịch vụ Công nghệ Dotcom khi thành lập có vốn điều lệ là 6,8 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Hằng (SN 1991, HKTT: Xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, bà Hằng còn là người đại diện của Công ty TNHH Thương mại H&Z và Công ty TNHH Super Buyers.

Trong khi đó, Công ty TNHH Kamiki thành lập tháng 11/2021, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của các đại lý bán vé máy bay, đại lý vé tàu. Công ty có vốn điều lệ 15 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Hương (SN 1986, HKTT: Xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, Nam Định) làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hang-tram-nghin-san-pham-nghi-nhap-lau-trong-kho-hang-cong-ty-cong-nghe-dotcom-197560.html