Hàng trăm sinh viên Hải Phòng “té ngửa” vì học văn bằng 2 Trường ĐH Đông Đô

20/08/2019 15:39

Kinhte&Xahoi Khi thông báo tuyển sinh, Trung tâm GDTX Hải Phòng cho biết, đơn vị này có liên kết đào tạo với Trường ĐH Đông Đô. Tuy nhiên đến nay, nhiều học viên té ngửa trước phủ nhận: “Trung tâm chỉ cho thuê phòng, không chịu trách nhiệm quản lý”.

Sau những sai phạm về việc đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, hàng trăm sinh viên đang theo học lớp chính quy văn bằng 2, Khoa Luật Kinh tế do trường này liên kết tổ chức đào tạo với Trung tâm GDTX Hải Phòng đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng.

Trung tâm phủ nhận trách nhiệm quản lý

Theo phản ánh của các sinh viên, Trường ĐH Đông Đô hiện đang đào tạo nhiều lớp văn bằng 2 Luật Kinh tế tại Hải Phòng với số lượng lên đến hàng trăm học viên.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về việc khởi tố bắt giữ hiệu trưởng và cán bộ của Trường ĐH Đông Đô do sai phạm trong đào tạo, chúng tôi rất lo lắng về tính hợp pháp của ngành nghề mình đang theo học”, các sinh viên cho hay.

Hàng trăm SV Hải Phòng “té ngửa” vì học văn bằng 2 Trường ĐH Đông Đô

Theo các sinh viên này, tháng 6/2017, Trung tâm GDTX Hải Phòng phát đi thông báo tuyển sinh lớp chính quy Văn bằng 2. Sau khi nộp hồ sơ, mỗi học viên đều được nhận giấy nhập học và tham gia học tập tại trung tâm.

Suốt quá trình học, trung tâm này luôn có giáo viên kết hợp với Trường ĐH Đông Đô trong quản lý đào tạo. Đồng thời, mọi biên lai thu học phí đều do Trung tâm GDTX Hải Phòng phát ra và đóng dấu.

Tuy nhiên, khi được hỏi về tính hợp pháp trong đào tạo văn bằng 2 Luật Kinh tế của Trường ĐH Đông Đô, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm GDTX Hải Phòng lại cho rằng “không nắm được điều đó. Trung tâm chỉ ký hợp đồng cho thuê phòng và không chịu trách nhiệm quản lý đào tạo”.

“Vì sao Trung tâm GDTX Hải Phòng chỉ ký Hợp đồng thuê phòng mà Trung tâm lại được phép thông báo liên kết tuyển sinh, thu hồ sơ tuyển sinh, cử giáo viên chủ nhiệm phụ trách điểm danh lớp, thu tiền học phí xuất biên lai đóng dấu của Trung tâm?”, các sinh viên đặt câu hỏi.

Theo một sinh viên lớp LK 522-03, mỗi học viên lớp văn bằng 2 đều phải đóng học phí 6 kỳ, mỗi kỳ có mức học phí từ 6.000.000 – 7.100.000 đồng. Ước tính số tiền học viên đã đóng lên tới gần 10 tỷ đồng.

Cũng theo học viên này, trước đó, mỗi người cũng đã phải đóng 100.000 đồng để làm thẻ sinh viên. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa ai nhận được thẻ.

“Vậy chúng tôi thực tế có phải là sinh viên của Trường ĐH Đông Đô không, đến nay chúng tôi cũng không chắc chắn”.

Với những thắc mắc này, đại diện lớp văn bằng 2 đã đến trường làm việc, yêu cầu nhà trường giải đáp thắc mắc về việc Trường ĐH Đông Đô có được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo hệ chính quy Văn bằng 2 Khoa Luật kinh tế tại địa phương khác hay không nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Phía đại diện nhà trường là bà Nguyễn Hải Yến, người được giới thiệu là Phó Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Đông Đô không giải đáp bất kỳ thắc mắc nào.  

Đào tạo bát nháo, năm sau thi tốt nghiệp cùng năm trước

Cũng theo sinh viên lớp LK 522-03, trước khi tốt nghiệp, Trung tâm GDTX Hải Phòng đã bắt học viên nộp lại toàn bộ hồ sơ nhập học.

Khi sinh viên lật lại trang thông tin tuyển sinh văn bằng 2 của trung tâm thi website đã bị xóa. Chỉ đến gần đây, trang web mới được khôi phục lại, nhưng toàn bộ dữ liệu tuyển sinh năm 2017 đã biến mất.

Học viên này cho hay, mặc dù lịch học tại trung tâm dàn trải trong 2 năm theo đúng thời gian đào tạo, nhưng việc học của học viên luôn bị gián đoạn.

“Có những khi chỉ học một buổi cuối tuần đã xong một môn. Việc học cũng không liên tục, ví dụ học được một thời gian lại nghỉ.

Hiện trung tâm vẫn tuyển sinh rất nhiều, thậm chí còn đẩy nhanh “tiến độ” để lớp mới thi tốt nghiệp cùng lớp cũ. Có những lớp bắt đầu học từ cuối năm 2018 nhưng cũng chuẩn bị thi tốt nghiệp và ra trường như chúng tôi – những người tham gia đào tạo từ năm 2017”.

Thậm chí, nhiều học viên còn cho biết, trong suốt quá trình học, bà Nguyễn Thị Thảo – Phó khoa Luật kinh tế của Trường ĐH Đông Đô, người được giới thiệu là giáo viên chủ nhiệm lớp, trong suốt hai năm học đều không thông báo điểm cho học viên.

Chỉ đến khi học viên đã thi xong tốt nghiệp, người này mới gửi danh sách thi lại cho các lớp. Số lượng học viên thi lại lên tới gần 200 người, trong đó có những người phải thi lại tới 17 môn. Kèm theo thông báo đó là phí học lại của một lớp lên tới hơn 1 tỷ đồng.

“Danh sách nợ môn, thi lại, học lại được công bố sau khi thi tốt nghiệp. Nếu có học viên phải học lại tới 17 môn học, tại sao trường vẫn cho đủ điều kiện thi tốt nghiệp?

Chưa kể, còn rất nhiều khoản thu vô lý được giáo viên đưa ra như khoản tiền chống trượt, tiền phụ thầy cô giáo xuống coi thi, tiền học diễn án tốt nghiệp lên tới 4,5 triệu đồng mặc dù ngành Luật kinh tế vốn không phải thực hiện,… Số tiền ấy sẽ đi đâu?”, học viên này bức xúc.

Người này cũng bày tỏ băn khoăn, liệu cán bộ lớp có phải là người của trung tâm hay của Trường ĐH Đông Đô không khi lớp không được tự bầu quyết. Ông Trần Văn Minh - lớp trưởng lớp LK 522-03 hoàn toàn tự điều hành chỉ đạo các khoản thu chi đối với 4 lớp học tập trung.

Tháng 10/2018, ông Minh thông báo trước lớp không giải trình được chi tiết số tiền quỹ lớp gần 200 triệu đồng do thủ quỹ là lớp phó học tập - bà Đào Hương bỏ trốn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cảm thương số phận hẩm hiu của bé gái 6 tuổi nghi bị xâm hại tình dục

Sau khi gửi con gái 6 tuổi nhờ người bạn trông hộ, người bố phát hiện những dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục của con. Lo lắng, gia đình đã làm đơn cầu cứu cơ quan công an, đồng thời đưa con đến bệnh viện thăm khám. Tại bệnh viện, cháu bé được kết luận bị tổn thương vùng kín, tinh thần bị hoảng loạn

Hà Nội: Chợ Quảng An bị tố thu phí trái quy định

Nhiều năm nay, hàng chục tiểu thương kinh doanh ở chợ dân sinh Quảng An, quận Tây Hồ không đồng ý ký hợp đồng thuê sử dụng diện tích kinh doanh với HTX Quảng An vì cho rằng: Đơn vị quản lý chợ xây dựng phương án giá dịch vụ, thu phí không đúng quy định, không thực hiện đúng như cam kết trong hồ sơ dự thầu...

Theo VietNamnet/ Pháp luật Plus