Xem nhiều

Hơn 6 năm “lòng vòng” người dân còn phải đợi đến bao giờ ?

09/12/2024 17:24

Kinhte&Xahoi Sau 6 năm, từ ngày xả lũ gây thiệt hại, hàng chục văn bản được ban hành thống nhất phương án hỗ trợ tái định cư nhưng các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn đang… chờ. Đằng sau những văn bản chỉ đạo nối dài là sự mòn mỏi của người dân và câu hỏi lớn “còn đợi đến bao giờ ?”

Mỏi mòn chờ đợi….

Năm 2018, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 4, trận lũ lịch sử ngày 30 – 31/8/2018 Thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An) đã xả lũ khiến nhiều hộ dân tại bản Vẽ (xã Yên Na) và các khu vực lân cận bị sạt lở nhà cửa, mất đất sản xuất, các công trình công cộng hư hỏng nghiêm trọng.

Hướng giải quyết sau đó được thống nhất tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì, qua Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13/4/2019 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) và thiệt hại sau bão số 4.

Chính quyền địa phương cùng với các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ phối hợp với Tổng công ty phát điện 1, Tập đoàn EVN, Ban quản lý dự án Thuỷ điện 2 thống nhất mức kinh phí hỗ trợ, TĐC cho 17 hộ dân 2 bản tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Chảo (xã Lượng Minh) hơn 25 tỷ đồng và khu TĐC Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân tại bản Vẽ (xã Yên Na) với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng, tổng cả hai hạng mục khoảng 30 tỷ đồng.

Cầu Bản Vẽ bị nước cuốn trôi năm 2018 (ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã rất nhiều công văn, báo cáo được gửi đi, gửi về nhưng vẫn chưa được triển khai. Điều đáng nói là khi thống nhất phương án, phía chủ đầu tư đã đề nghị xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phía Bộ Công Thương cũng trình xin ý kiến và được Phó thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương nhưng mọi chuyện vẫn chỉ dừng trên văn bản.

Phải kể đến như: Năm 2019, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 143 yêu cầu khẩn trương xử lý các vấn đề tồn đọng; năm 2020, văn bản qua lại giữa Bộ Công Thương, EVN, UBND tỉnh Nghệ An và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước liên tục được ban hành nhưng không đạt kết quả; năm 2024, Bộ Công Thương thống nhất phương án tái định cư tại Báo cáo số 218 ngày 28/8/2024 với kinh phí từ nguồn đầu tư dự án;

Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 7505 ngày 14/10/2024 có nêu: tại báo cáo số 218 về việc hỗ trợ TĐC bổ sung với Dự án thuỷ điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An, Bộ Công Thương đã xác định các công việc thống nhất hỗ trợ và việc bố trí nguồn vốn cho các công việc thống nhất hỗ trợ thuộc thẩm quyền của Tổng Công ty phát điện 1 (EVNGENCO1) và Tập đoàn EVN. Căn cứ Báo cáo số 128 và các quy định của pháp luật liên quan, Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN, UBND tỉnh Nghệ An theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao, xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ý kiến lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo tại thông báo số 143 ngày 13/4/2019 của Văn phòng Chính phủ; khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp để ổn định cuộc sống cho người dân.

Ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na (huyện Tương Dương) cho biết, người dân đã chờ đợi suốt 6 năm, bao nhiêu văn bản hướng dẫn, nhưng mãi vẫn không thể triển khai được khiến người dân từ mong ngóng này đến mong ngóng khác. Cử tri lần nào tiếp xúc cũng hỏi, rồi cũng chờ đợi nhưng không biết khi nào thành hiện thực.

Ông Nguyễn Hữu Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng bức xúc, từ 2019 đến nay địa phương đã 2 lần được Chính phủ cho ý kiến rồi. Từ ngày 14/10 Chính phủ có ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý cho EVN triển khai thực hiện; Bộ Công Thương cũng có 2 văn bản; Tập đoàn EVN cũng có văn bản giao cho EVNGENCO1 – chủ đầu tư triển khai thực hiện. Nhưng mới đây, phía chủ đầu tư lại có văn bản mới cho rằng không đủ thẩm quyền.

“Quan điểm của huyện là phía chủ đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ cho dân để dân ổn định cuộc sống. Đã 6 năm trôi qua mà không thực hiện được rồi phải làm lại từ đầu nữa thì không biết dân còn chờ đợi đến bao giờ ?”, ông Hiến nói.

Người dân nhường đất cho thuỷ điện ngóng…dài cổ

Câu chuyện tại các khu TĐC xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) cũng không khá hơn. Từ năm 2007-2009, hơn 2.100 hộ dân nhường đất cho thủy điện đã chuyển đến đây sinh sống. Tuy nhiên, những công trình thiết yếu như chợ, nhà văn hóa, sân vận động, hay đài tưởng niệm liệt sĩ vẫn chưa được xây dựng, dù đã nhiều lần đề nghị phía chủ đầu tư và đã được thống nhất hỗ trợ từ 6 năm trước.

Tại Báo cáo số 218 ngày 28/8/2024 của Bộ Công Thương có nêu: Danh mục thống nhất đề nghị hỗ trợ tại huyện Thanh Chương gồm: Nhà văn hoá bản Noòng (xã Ngọc Lâm); Đài tưởng niệm liệt sĩ xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm; Chợ nông thôn xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm; Sân vận động Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Tổng giá trị khái toán là hơn 20 tỷ đồng, cùng với số tiền thống nhất hỗ trợ tại huyện Tương Dương do ảnh hưởng của bão số 4 hơn 30 tỷ đồng, tổng cộng hơn 51 tỷ đồng . Tuy nhiên, sau nhiều năm thống nhất phương án hỗ trợ đến nay chưa có hạng mục nào được triển khai khiến người dân TĐC tại đây hết ngóng trông lại thêm thất vọng.

Mong mỏi có chợ để thuận lợi buôn bán nhiều năm chưa được thực hiện, địa phương xã Ngọc Lâm phải làm chợ tạm để phục vụ nhân dân

Ông Lê Đình Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cũng rất bức xúc cho biết, người dân về đây TĐC đài tưởng niệm để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống yêu nước không có, chợ để mua bán trao đổi những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, hay sân vận động để tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao cũng không có. Ông Thanh nói vui “đây là hai xã tái định cư “3 không” không chợ, không đài tưởng niệm, không sân vận động”.

Từ đầu khi đề xuất các hạng mục, lên dự toán, khảo sát thiết kế các kiểu và được đồng ý từ Chính phủ, Bộ Công Thương rồi nhưng đến nay lại yêu cầu xin ý kiến Thủ tướng nữa. Nếu ban đầu không đồng ý để người dân khỏi ngóng trông, chính quyền địa phương cũng sẽ nghiên cứu để tìm nguồn vốn khác thay thế triển khai sớm cho người dân đảm bảo cuộc sống nhưng đến nay thì lại không thực hiện được.

Lời hứa về TĐC liệu có thành hiện thực, hay lại tiếp tục bị trì hoãn trong chuỗi văn bản lòng vòng ?, 6 năm, 17 năm hay bao lâu nữa, người dân mới được hưởng quyền lợi chính đáng mà họ đáng được nhận ?. Những lời hứa về TĐC, những công trình thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân liệu có trở thành hiện thực, hay lại chìm vào quên lãng trong chuỗi quy trình “xin ý kiến” ?.

Đã đến lúc những người có trách nhiệm cần hành động thay vì để lời hứa, câu trả lời cho sự chậm trễ này chính là sự quyết tâm và trách nhiệm từ các cấp có thẩm quyền.

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là công trình trọng điểm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2004 và vận hành từ năm 2010. Hàng năm, nhà máy cung cấp trung bình hơn 1.084 triệu kWh điện, đóng góp quan trọng cho lưới điện quốc gia. Hơn 3.000/14.324 hộ dân/khẩu thuộc 34 bản làng tại Tương Dương phải rời bỏ nơi chốn quen thuộc, nhường đất cho dự án.

phapluatplus.baophapluat.vn

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Làng đào Nhật Tân hối hả vào vụ Tết

Sau cơn bão số 3 (Yagi), phần lớn diện tích trồng đào tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị nhấn chìm trong nước lũ. Nhiều hộ dân phải chi hàng trăm triệu đồng thuê nhân công để "hồi sinh" vườn cây phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Này mùa Đông dấu yêu, xin đừng lỡ hẹn...

Mùa Đông Hà Nội với tôi như một người thương xa có ước hẹn cùng nhau. Tôi không thể đoán định, khi nào người thương sẽ trở lại. Khi Thu đã cạn ngày, trong tôi có chút ngóng trông và thầm nhủ: “Này mùa Đông, xin đừng lỡ hẹn...”.

Kiên quyết loại bỏ các tổ hợp lạ trong tuyển sinh đại học năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp lạ; dành tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông... Đó là những góp ý mới liên quan đến việc tuyển sinh đại học năm 2025 đang thu hút sự quan tâm.

https://phapluatplus.baophapluat.vn/hon-6-nam-long-vong-nguoi-dan-con-phai-doi-den-bao-gio-205933.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com