Khi nào cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại?

07/09/2022 09:07

Kinhte&Xahoi Khi nào những vi phạm khiến các cổ phiếu FLC, ROS bị ngừng và hủy giao dịch khắc phục được và doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục thì sẽ được giao dịch trở lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố bổ sung lãnh đạo Tập đoàn FLC về các tội danh trên thị trường chứng khoán. Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra và cần bảo mật.

Vì vậy khi có kết luận điều tra thì sẽ có công khai trách nhiệm cả cá nhân và tập thể, kể cả cơ quan quản lý Nhà nước.

Logo của Tập đoàn FLC

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, để ngăn ngừa xảy ra những trường hợp tương tự như FLC, ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 02 đưa ra một loạt giải pháp để có thể phòng ngừa, chấn chỉnh các hành vi này.

Về điều kiện các cổ phiếu ROS và FLC giao dịch trở lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi nào những vi phạm khiến các cổ phiếu này bị ngừng và hủy giao dịch khắc phục được và doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục thì sẽ được giao dịch trở lại.

Cụ thể, đối với cổ phiếu của FLC, cần phải có báo cáo kiểm toán năm 2021 và báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022, rồi phải tổ chức đại hội cổ đông… Khi có đủ các điều kiện này, doanh nghiệp có nhu cầu khôi phục giao dịch thì sẽ được đáp ứng.

Về việc quyền lợi nhà đầu tư ảnh hưởng thế nào, tất nhiên khi hủy giao dịch, nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

"Tôi muốn nói rằng với trách nhiệm là cổ đông thì các nhà đầu tư phải có ý kiến tại đại hội cổ đông để khắc phục các việc trên và niêm yết trở lại. Như vậy mới có thể giảm và khắc phục thiệt hại kinh tế", ông Chi nói.

Theo quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), cổ phiếu FLC sẽ bị chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9/2022. Nguyên nhân bị đình chỉ giao dịch do Tập đoàn FLC vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Sau khi HOSE ra quyết định trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Lê Bá Nguyên đã gửi thư mong cổ đông chia sẻ, đồng hành.

Theo ông Lê Bá Nguyên, Tập đoàn FLC đã nhiều lần gửi giải trình kiến nghị đến các cơ quan quản lý, để làm rõ các nguyên nhân bất khả kháng nằm ngoài ý muốn của doanh nghiệp.

Trong đó chủ yếu là những khó khăn, thách thức về lựa chọn đơn vị kiểm toán mới sau khi Công ty TNHH Kiểm toán, tư vấn Đất Việt - đơn vị từng ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 với Tập đoàn FLC - bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán từ 30/3/2022.

Nhằm tháo gỡ khó khăn này, Tập đoàn FLC mong sớm nhận được sự can thiệp, chỉ đạo hoặc hỗ trợ cần thiết từ cơ quan quản lý để có thể thực hiện việc kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính năm 2021 của tập đoàn trong sớm nhất, để có đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022.

Ông Lê Bá Nguyên cam kết ngay sau khi có báo cáo tài chính năm 2021 được kiểm toán, Hội đồng quản trị FLC sẽ triệu tập cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm 2022 theo đúng quy định. Dự kiến Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn FLC sẽ được tổ chức vào tháng 11/2022.

Tại cuộc họp này, Hội đồng quản trị sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua nội dung lựa chọn đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán, soát xét các báo cáo tài chính năm 2022 của Tập đoàn FLC, đảm bảo tuân thủ các quy định về việc lựa chọn đơn vị kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết.

Trên cơ sở quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Tập đoàn FLC sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị kiểm toán được lựa chọn và dự kiến sẽ phát hành, công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét vào tháng 11/2022.

Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn FLC đang nỗ lực để phối hợp giải trình cũng như xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định nhằm sớm đưa cổ phiếu FLC ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc hạn chế giao dịch.

 Hậu Lộc- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khi-nao-co-phieu-flc-ros-duoc-giao-dich-tro-lai-205099.html