Khu nhà đất của gia đình ông Bách tại Phú Quốc bị nhóm đối tượng Hồng, Tuấn hủy hoại và chiếm dụng từ tháng 8/2019 đến nay vẫn chưa được trả lại tài sản.
Theo phản ánh, gia đình ông Vũ Tùng Bách (trú tại phường 12, quận Tân Bình, TP HCM) bị nhóm người do Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Mạnh Tuấn cùng những người liên quan có hành vi xâm phạm chỗ ở và hủy hoại tài sản xảy ra vào ngày 26/6/2019 tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Cụ thể, theo thông tin phản ánh của ông Bách cũng như qua kết quả điều tra của CA huyện Phú Quốc thì: Ngày 26/6/2019, khi công trình nhà nghỉ Rose Mary của ông Bách đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thì Nguyễn Văn Hồng cùng Nguyễn Mạnh Tuấn (con trai Hồng, ngụ thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) cho người xịt sơn lên cột và tường rào của nhà ông Bách với lý do phần đất sử dụng ổn định được cấp chứng nhận sử dụng đất của gia đình ông Bách là của bà Nguyễn Phương Trinh, hiện đang cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (bà Trinh có ủy quyền cho Tuấn).
Tiếp đến, ngày 5/8/2019, Hồng, Tuấn giao cho Trần Văn Trường, Đoàn Văn Long (cùng cư trú tại khu phố 10, thị trấn Dương Đông), Hoàng Văn Tùng, Hoàng Văn Hùng, Nguyễn Văn Trường (chưa rõ lai lịch, nhân thân) làm lán trại, lợp phủ bằng bạt cao su ngay kế bên ngôi nhà, trong khuôn viên tường rào bao quanh ngôi nhà và thửa đất, rồi dùng dây xích và khóa bằng kim loại khóa cổng tường rào để canh giữ đất, không cho ông Bách vào bên trong…
Qua quá trình điều tra, ngày 21/1/2020, CA huyện Phú Quốc đã ra văn bản số 10/CQĐT-ĐTTH gửi UBND xã Dương Tơ về việc đề nghị xử lý hành chính và giao thửa đất trên thực tế cho ông Vũ Tùng Bách quản lý. Nội dung văn bản xác định thửa đất ông Bách sử dụng và xây dựng công trình là đúng vị trí thửa đất mà ông Bách đã nhận chuyển nhượng trên thực tế. Thửa đất mà bà Trinh nhận chuyển nhượng trên thực tế không phải là thửa đất mà ông Bách đang quản lý, sử dụng…
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định, hành vi của nhóm Hồng, Tuấn và những người có liên quan xịt sơn, khóa cổng rào, chiếm giữ thửa đất trên là hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” và hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”. Trước những hành vi trên 3 đối tượng gồm Hồng, Tuấn, Long đã bị xử phạt 3,5 triệu đồng.
Văn bản số 10/CQĐT-ĐTTH gửi UBND xã Dương Tơ về việc đề nghị xử lý hành chính và giao thửa đất trên thực tế cho ông Vũ Tùng Bách quản lý.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Bách cho biết bản thân ông cũng như gia đình không đồng ý với kết quả xử lý của CA Phú Quốc về hành vi của các đối tượng trên.
Ông Bách bức xúc cho biết: “Không chỉ chiếm giữ tài sản, hủy hoại tài sản của gia đình tôi mà trên thực tế nhóm đối tượng đã có hành vi xâm phạm chỗ ở. Trên thực tế, từ thời điểm mua đất, xây dựng nhà thì gia đình tôi đã thường xuyên ở tại đây để trông chăm non thửa đất và tiến hành xây dựng nhiều công trình hạng mục, xóm làng tại đây ai cũng thấy rõ và sẵn sàng làm chứng cho gia đình tôi”.
Theo đó, ông Bách cho rằng việc cơ quan công an không xem xét, xử phạt hành vi xâm phạm chỗ ở là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, các clip ông Bách ghi nhận và cung cấp đều cho thấy nhóm đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm chỗ ở, chiếm giữ, hủy hoại tài sản của gia đình là hoạt động có tổ chức, có người chỉ đạo, người thực hiện rõ ràng.
Do đó việc Công an huyện Phú Quốc chỉ tiến hành xử phạt hành chính nhóm đối tượng với 2 hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” và hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”, sau đó chỉ bị đề nghị xử lý vi phạm hành chính là chưa đúng, đủ tội và có dấu hiệu bao che.
Trước những thông tin phản ánh, bức xúc từ ông Bách, ngày 16/3, phóng viên đã liên hệ và có buổi làm việc trực tiếp với ông Trần Ngọc Trung – Đội trưởng Đội CSĐT Cơ quan CSĐT CA huyện Phú Quốc.
Trong buổi làm việc, phóng viên đã cùng với ông Trung trao đổi các thông tin, tình tiết cũng như các hình ảnh clip bằng chứng của vụ việc thể hiện rõ các dấu hiệu của hành vi phạm tội “Chiếm giữ tài sản”, “Xâm phạm chỗ ở”, “Hủy hoại tài sản”. Bên cạnh đó còn có dấu hiệu tổ chức của nhóm đối tượng trên bao gồm: Các clip về việc các đối tượng thực hiện có người đứng ra chỉ đạo, hoạt động có tổ chức của nhóm đối tượng; nội dung việc ông Bách và gia đình đã ở tại nhà trên đất trước thời điểm bị nhóm đối tượng chiếm giữ, phá hoại…
Sau khi cung cấp, chỉ ra các dấu hiệu cho thấy bản chất sự việc, phóng viên nêu câu hỏi tại sao chỉ xử lý các đối tượng với các hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” và “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” mà không khép vào hành vi xâm phạm chỗ ở?
Theo Trung cho biết, do tại thời điểm bị chiếm giữ theo xác định của Cơ quan CSĐT thì tài sản chưa phải là chỗ ở, do đó không thể xử lý, khởi tố hành vi xâm phạm chỗ ở. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi với cơ quan CSĐT nhận định thế nào là chỗ ở; cơ quan điều tra có xác minh từ phía người nhà ông Bách và hàng xóm xung quanh về việc đã từng ở tại nhà hay không thì ông Trung chưa trả lời được.
Nhóm đối tượng Hồng, Tuấn tổ chức rất đông người đến phá cổng xông vào chiếm giữ, hủy hoại tài sản nhà ông Bách.
Bên cạnh đó, khi đề cập tới việc nhóm đối tượng thực hiện hành vi xâm chiếm, phá hoại tài sản có dấu hiệu hoạt động có tổ chức, có phân công, có người chỉ đạo rõ ràng thì ông Trung cho biết việc này đã qua điều tra, các đối tượng chủ yếu là quen biết, nhận ủy quyền rồi nhờ vả nhau. Tuy nhiên, được hỏi về các hình ảnh clip ghi nhận lại thể hiện có ngươi chỉ đạo và để nghi chi tiết căn cứ xem xét trong quá trình điều tra thì ông Trung cho biết không nắm rõ hồ sơ điều tra chi tiết.
Việc nhóm đối tượng tổ chức đông người đến hủy hoại tài sản chiếm giữ nhà, đất của gia đình ông Bách có hình ảnh clip ghi nhận lại rất rõ ràng, kết quả điều tra đã rõ nhưng chỉ xử lý hành chính thì liệu có đủ sức răn đe? Có hay không việc nhóm đối tượng được bao che, bảo kê, tự do lộng hành đẩy người dân vào cảnh đường cùng “sống trong sợ hãi”?
Được biết, hiện gia đình ông Bách đã gửi đơn tố cáo những dấu hiệu sai phạm trên đến các cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Kiên Giang.
Tội chiếm giữ trái phép tài sản
Tại điều 176 Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, nêu rõ: 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
Theo điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung), xâm phạm chỗ ở của người khác được hiểu là một trong các hành vi sau đây: Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ; Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
Người thực hiện một trong các hành vi nói trên bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội hai lần trở lên; làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù 1-5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định 1-5 năm.