Làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào dệt may: Chưa có đại dự án

24/06/2020 11:02

Kinhte&Xahoi Làn sóng dịch chuyển đầu tư vào ngành dệt may chưa xảy ra khi tổng cầu dệt may toàn cầu chưa tăng lên, diễn biến thị trường vẫn khó đoán định.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại nhà máy của Esquel (100% vốn nhà đầu tư Hồng Kông). Ảnh: Đức Thanh

Chưa có dự án nào lớn

Với việc kiểm soát thành công dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cùng với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, Việt Nam được xem là điểm đến của nhiều dòng vốn ngoại sau đại dịch Covid-19. Là ngành đóng góp gần 40 tỷ USD cho xuất khẩu, thu hút nhiều tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dệt may Việt Nam liệu có cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư?

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, chưa xuất hiện khoản đầu tư lớn nào từ nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam. Thời điểm này, khó có thể biết rõ có bao nhiêu nhà đầu tư đang có ý định dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, nhưng nếu có, ngành dệt may kỳ vọng sự dịch chuyển từ Trung Quốc, nơi có quy mô công suất ngành đứng số 1 toàn cầu.

“Thời điểm này, nói đến chuyện đầu tư dự án lớn là không hợp lý, nhất là với ngành dệt may, bởi nhu cầu thị trường đã có đâu. Các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn như Mỹ, EU vẫn đang chật vật chống dịch, sức mua chưa tăng trở lại… Khi nhu cầu hàng hóa thấp, các nhà đầu tư khó có thể nói đến việc xúc tiến đầu tư ra bên ngoài”, ông Trường cho biết.

Năng lực xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đã gia tăng rất nhanh những năm qua và yếu tố làm nên thành công đó chính là lượng vốn khủng được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành này. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có 19,286 tỷ USD vốn FDI được các nhà đầu tư nước ngoài rót vào ngành dệt may sau gần 3 thập kỷ.

Dù vài chục quốc gia có hoạt động đầu tư dệt, nhuộm, may tại Việt Nam, nhưng top các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư trên 1 tỷ USD chỉ có 5, thứ tự gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc và Bristish VirginIslands. Các dự án FDI được triển khai nhanh chóng trong những năm qua, nhằm đón đầu cơ hội thị trường, tăng nhanh năng lực cung ứng hàng dệt may của Việt Nam với thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện doanh nghiệp FDI có 3 nhà máy sợi tại Việt Nam cho biết, thủ tục đầu tư tại Việt Nam ngày càng được rút ngắn, nhiều địa phương có chính sách thu hút FDI và hỗ trợ nhà đầu tư rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang kéo nhu cầu thị trường xuống thấp, tiềm ẩn không ít rủi ro cho nhà đầu tư, thì sự dịch chuyển đầu tư vào thời điểm này có lẽ chưa phù hợp.

Vốn vào dự án thượng nguồn tăng mạnh

Ngành dệt may có năng lực sản xuất quy mô hơn 40 tỷ USD như hiện nay một phần quan trọng là nhờ vào nguồn vốn FDI. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đã giúp ngành dệt may gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Sự đổ bộ của các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của ngành dệt may tăng nhanh. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 36 tỷ USD, năm 2019 đạt 39 tỷ USD, trong đó, khối FDI nắm giữ khoảng 65%.

Trong năm 2019, dù thị trường xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng không làm giảm lượng vốn FDI vào ngành xuất khẩu tỷ USD này. 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư lớn nhất vào ngành dệt may lần lượt là Hồng Kông (447 triệu USD), Singapore (370 triệu USD), Trung Quốc (270 triệu USD), Hàn Quốc (165 triệu USD), Seychelles (103 triệu USD).

Điểm đặc biệt trong dòng vốn FDI vào dệt may trong năm qua là sự vượt trội của lượng vốn vào các dự án nguyên liệu, trong đó có tới 90 dự án vào mảng dệt, tổng vốn 1,245 tỷ USD. Tiếp đến là lĩnh vực nhuộm với 24 dự án, tổng vốn đăng ký 673,3 triệu USD, 109 dự án may với 587,2 triệu USD, 45 dự án sợi với 640,4 triệu USD, 3 dự án sản xuất xơ với tổng vốn đăng ký 1,3 triệu USD. Vốn vào các dự án thượng nguồn gia tăng mạnh so với việc chỉ đầu tư vào may mặc trước đây.

Theo dự báo, với vị trí trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, năng lực cung ứng ngày càng được đánh giá cao, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến Việt Nam trong ngành dệt may là có, nhưng chưa phải lúc này. “Dòng tiền sẽ chảy vào khi dịch bệnh được khống chế hoặc có vắc-xin, nhu cầu thị trường đi lên - những yếu tố đảm bảo đồng vốn của các nhà đầu tư được bảo toàn”, đại diện Vitas cho hay.

Ngành dệt may có được năng lực sản xuất như hiện nay là nhờ nguồn vốn FDI. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… đã giúp ngành dệt may hòa nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường Mỹ, EU, làm thay đổi đáng kể cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng như giá cả.

- Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas   
 

Thế Hải/baodautu.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/lan-song-dich-chuyen-von-fdi-vao-det-may-chua-co-dai-du-an-d127809.html