Lỗ ròng 13.000 tỷ vì COVID-19, Vietnam Airlines cần ‘kiếm lệnh’ gỡ khó

14/07/2020 16:40

Kinhte&Xahoi COVID-19 làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh của Vietnam Airlines, khiến hãng lỗ ròng khoảng 13.000 tỷ đồng nên cần Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.

Nội dung được ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ tại Tọa đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19 trường hợp Vietnam Airlines” do Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức vào chiều 13/7.

"Chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế"

Ông Thành cho biết dịch COVID-19 đã làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh của Vietnam Airlines, khiến hãng lỗ ròng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng hàng loạt giải pháp ứng phó, mức lỗ này đã giảm 2.200 tỷ đồng so với ước tính ban đầu.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng 13.000 tỷ đồng trong 2020. (Ảnh: H.H)

“Từ khi hòa bình nước ta lập lại đến giờ, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế. Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu", ông Thành nói.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỷ USD vì COVID-19. Trong đó, Vietnam Airlines giảm 4% lượng khách, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng, dự kiến lỗ 29.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng.

Nhằm ứng phó với ảnh hưởng dịch bệnh, ông Thành cho biết Vietnam Airlines đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương), giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động), giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng. “Vietnam Airlines dù là bông hoa đẹp nhưng trước trận mưa lớn nên cần có thời gian phục hồi”, ông Thành nhận định.

CEO Vietnam Airlines cũng cho biết đã trao đổi với chủ sở hữu là hãng ANA của Nhật Bản về việc hỗ trợ vốn (ANA sở hữu 8,6% cổ phần Vietnam Airlines). Tuy nhiên ANA thậm chí còn khó khăn hơn. “Họ cũng đang đi vay 10 tỷ USD cho hoạt động của chính mình và không thể có nguồn tiền tăng vốn và cho Vietnam Airlines vay được. Do đó Vietnam Airlines mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp”, ông Thành nói.

Vietnam Airlines cần “kiếm lệnh” để gỡ khó

PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nhà nước không đủ tiền để cứu tất cả doanh nghiệp. Do đó, phải chọn những doanh nghiệp để khi cứu doanh nghiệp đó cũng là cứu nền kinh tế. “Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, đưa giải pháp đặc biệt rồi xong cũng phải trao “kiếm lệnh” để thực thi giải pháp bởi nếu không sẽ bị trói buộc bởi rất nhiều quy định”, ông Thiên nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ngành hàng không chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất vì dịch COVID-19. Tất cả các Chính phủ trên thế giới đều hỗ trợ, trong đó các các hãng hàng không và đặc biệt là hãng hàng không quốc gia có đầy đủ năng lực nên cần phải duy trì.

“Với các số liệu đầy đủ, minh bạch chứng minh tài chính bị ảnh hưởng do đại dịch và là trường hợp rất điển hình, Vietnam Airlines là hãng bay bị tác động sâu nặng nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Vietnam Airlines không phải là đơn vị phải xin Chính phủ hỗ trợ hay "giải cứu" mà Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu phải có hành động cũng như trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ đã thống nhất không dùng từ “giải cứu” doanh nghiệp mà phải có hành động và trách nhiệm.

Theo ông Kiên, Chính phủ đưa ra 4 nhóm giải pháp lớn tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines gồm các tổ chức tín dụng sẽ cho vay bắc cầu, trong đó cho phép Ngân hàng Nhà nước trích lập dự phòng rủi ro xử lý khoản nợ tái cấp vốn theo quyết định; Chính phủ cấp một bảo lãnh tín dụng để các tổ chức tín dụng cho hãng vay vượt hạn mức; Chính phủ xin Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu; nội bộ Vietnam Airlines giảm phần trích khấu hao, phân bổ bảo dưỡng và chưa nộp khoản thu cổ phần hóa còn lại về các quỹ.

Theo ông Kiên, từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng đến nghị quyết 42 của Chính phủ, Nhà nước đã hỗ trợ chung cho ngành hàng không như giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh, đề nghị Uỷ ban thường vụ quốc hội giảm thuế xăng dầu, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ cũng đã triển khai.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng những giải pháp càng nhanh càng tốt như tái cấp vốn, cho vay bắc cầu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc điều chuyển vốn sẽ giúp Vietnam Airlines khắc phục khó khăn tài chính đồng thời đề xuất hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu 1 cách phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như năng lực tài chính cho phù hợp.

“Tổ Tư vấn cũng sẽ có có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nghiên cứu, xem xét các giải pháp khó khăn của SCIC khi đầu tư vốn vào Vietnam Airlines,” ông Kiên nói.

HÒA BÌNH  -  Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/lo-rong-13000-ty-vi-covid-19-vietnam-airlines-can-kiem-lenh-go-kho-d129394.html