Lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ lượng lớn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

07/09/2022 09:56

Kinhte&Xahoi Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Trung thu, hiện thị trường bánh Trung thu đang trong giai đoạn kinh doanh sôi động nhất. Đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng nhằm tuồn hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào thị trường và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Liên tiếp phát hiện nhiều vi phạm

 Năm nào, mùa Trung thu cũng là thời điểm người dân tiêu thụ một lượng bánh rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, đây cũng chính là thời điểm mà các đối tượng kinh doanh bất chấp sức khỏe người tiêu dùng để trục lợi thông qua việc sản xuất, buôn bán các loại bánh Trung thu giả mạo các thương hiệu lớn, hay những loại kém chất lượng.

Từ gần một tháng nay, thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu chuyển động, với rất nhiều ki-ốt xuất hiện tại các khu đô thị, các siêu thị… Và dịp này, bánh Trung thu kém chất lượng cũng bắt đầu xuất hiện. Vừa qua, tại khu vực ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, lực lượng Công an phát hiện một người đàn ông đang tập kết hàng hóa có biểu hiện nghi vấn, nên đã phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hành chính, phát hiện 50 hộp bên trong chứa 4.000 chiếc bánh Trung thu.

Sản phẩm là bánh trung thu, kẹo các loại xuất xứ nước ngoài nhưng không có nguồn gốc

Trên vỏ hộp và vỏ bánh đều in chữ nước ngoài. Chủ số hàng trên ở tỉnh Bắc Ninh, khai nhận, số bánh Trung thu trên mua lại của một người chuyên đầu mối hàng hóa ở tỉnh Lào Cai với giá gần10 triệu đồng, mang về Hà Nội tiêu thụ. Từ thông tin này, có thể thấy, mỗi chiếc bánh Trung thu trên chỉ có giá 2.300 đồng. Quá rẻ nếu so những hộp bánh đang được bán trên thị trường.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải (tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh trung thu.

Chỉ trong tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 11.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu trên 2.800 đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã kiểm tra trên 2.500 vụ; Xử lý hơn 2.300 vụ với các vi phạm chủ yếu là hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Đã chuyển khởi tố 4 vụ với 15 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước trên 368 tỷ đồng.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết Trung thu 2022; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

Siết chặt quản lý bánh Trung thu “bẩn”

 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Theo Cục An toàn thực phẩm, ngày 9/8/2022, Cục An toàn thực phẩm (Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm) đã có công văn về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022. Tuy nhiên, đến nay theo phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng, vẫn có cảnh báo bánh Trung thu “bẩn”, nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ vi phạm an toàn thực phẩm.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm các tỉnh/thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai hoạt động thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...

Lực lượng chức năng kiểm tra lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Các lực lượng chức năng kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/luc-luong-chuc-nang-tiep-tuc-thu-giu-luong-lon-banh-trung-thu-khong-ro-nguon-goc-205100.html