Mỹ phẩm Tavida: Vi phạm luật quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng?

07/01/2019 16:00

Kinhte&Xahoi Nhiều sản phẩm của Tavida bị phản ánh lừa dối người tiêu dùng khi đưa những thông tin “đặc trị” như thuốc chữa bệnh vào quảng cáo và nhãn mác sản phẩm.

Theo thông tin tìm hiểu của PV, mỹ phẩm Tavida hiện đang kinh doanh 10 sản phẩm mỹ phẩm như: Tinh chất Tavida Acnes, Kem dưỡng ẩm phục hồi trắng da ban đêm, Bột rửa mặt thảo dược ngừa mụn, Serum dưỡng ẩm trắng da chuyên sâu Tavida, Vitamin tươi dưỡng tang Collagen trẻ hóa da, Bột đắp mặt nạ tiêu viêm, ngừa mụn trắng da,  Dung dịch vệ sinh vùng kín Bạch Diệp Phục Âm,...

Mỹ phẩm Tavida ngang nhiên quảng cáo và ghi nhãn như thuốc đặc trị.

 

Đáng nói các sản phẩm trên đều là mỹ phẩm (không phải dược phẩm) nhưng lại có nhãn mác gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là thuốc “đặc trị”. Cụ thể, như dung dịch vệ sinh vùng kín “Bạch diệp phục âm” ghi nhãn là “dung dịch đặc trị 100% nature”;  Hay tinh chất đặc trị  với công dụng vô cùng “thần thánh” như: điều trị mụn mủ, mụn viêm, mụn ẩn, mụn đầu đen, thâm và sẹo rỗ do mụn để lại.

Thậm chí sản phẩm Tinh chất Tavida Acnes còn ngang nhiên ghi công dụng “ chữa dứt điểm nám, tàn nhang”.

Với những chiêu trò quảng cáo như vậy, Tavida dễ dàng đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng đang tìm phương pháp chữa bệnh cũng như làm đẹp.  Việc gây nhầm lẫn cả trong quảng cáo cũng như nhãn mác của mỹ phẩm Tavida đang vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật.

Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng.

Về mỹ phẩm được Bộ Y tế định nghĩa một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với phần bên ngoài thân thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc mồm với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ thân thể trong điều kiện tốt.

Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Dung dịch vệ sinh cũng ghi "dung dịch đặc trị".

 

Ngoài ra, đối với việc quảng cáo mỹ phẩm: Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có đủ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường và lưu ý khi sử dụng (nếu có).

Như vậy với những thông tin trên có thể khẳng định, các sản phẩm của Tavida đang quảng cáo trên webside http://tavida.vn/ có dấu hiệu mập mờ trong việc đăng ký kinh doanh đơn vị sản xuất sản phẩm; phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về Y tế; nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và đặc biêt vi phạm nghiêm trọng về điều kiện quảng cáo mỹ phẩm như thuốc trị bệnh.

Thực tế trên, không phải khách hàng nào cũng có dữ liệu thông tin để kiểm chứng sản phẩm mình mua có phải là thuốc điều trị mà chỉ đơn thuần là mỹ phẩm. Vì vậy, khó tránh được trường hợp tiền mất tật vẫn mang đối với người tiêu dùng. 

Chúng tôi mong muốn Cục Quản lý Dược, Sở Y tế và cơ quan chức nằn cần vào cuộc để kiểm tra, thanh tra, xác minh làm rõ và nếu có sai phạm cần phải xử lý nghiêm theo các quy định liên quan của pháp luật, nhằm tránh gây thiệt hại đến sức khỏe và kinh tế của người tiêu dùng.

Đặc biệt lưu ý: sản phẩm tinh chất đặc trị Tavida cũng đang được quảng cáo và bán trên trang web tavida.vn. Tại đây, các sản phẩm còn được quảng cáo là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” tuy nhiên các sản phẩm mỹ phẩm Tavida lại không tham gia chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao nào.

 

Theo Thương Trường/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM