Tuy nhiên, theo Ủy ban, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản uỷ thác, phải thu khó đòi. Nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện.
Số dư dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống TCTD tăng mạnh. Năm 2018, dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2%, cao hơn đáng kể so với con số 65,4% của năm 2017.
Ảnh minh họa
Hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, chủ yếu nhờ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng và thu nợ từ khách hàng. Giá trị nợ xấu xử lý trong năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017 (không bao gồm nợ bán cho VAMC). Trong đó, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 59,8%; thu nợ từ khách hàng chiếm 33,2%; phát mại tài sản chiếm 3%, còn lại là bằng các hình thức xử lý khác.
Năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC. Một số ngân hàng thương mại đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC như Vietcombank, ACB, Techcombank, MB.
Một số ngân hàng như Agribank, BIDV... chủ động mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý. Mặc khác, VAMC đã hoàn thành kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường trong năm 2018. Đây là những yếu tố tích cực để hệ thống TCTD tiếp tục xử lý nợ xấu trong năm 2019.
Theo Báo đấu thầu/Phapluatplus