Nghi vấn xin dự án rồi chuyển nhượng, HLP Invest nói gì về dự án đầu tư 4,4 tỷ USD?

29/06/2020 09:41

Kinhte&Xahoi 'Dự án 4,4 tỷ USD thì với năng lực các nhà đầu tư trong nước, nói thẳng luôn là không đủ năng lực để triển khai đầu tư, thế thì đương nhiên là phải hợp tác với nước ngoài', ông Cường chia sẻ.

Thời gian vừa qua, câu chuyện về việc khảo sát đầu tư dự án điện gió tại cánh đồng gió Biển Cổ Thạch, ngoài khơi huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận của Công ty HLP Invest với tổng mức đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD đang làm nóng dư luận. Đặc biệt là với băn khoăn liệu rằng họ có xác định đầu tư đến đầu đến đũa hay lại sớm sang tay cho nước ngoài như đã từng xảy ra.

Dự án này có diện tích khảo sát 30.264ha, nằm ngoài đường chân triều và cách đường chân triều không quá 20km về phía biển. Tổng công suất dự án 2.000MW với 200 turbine.

Vào trung tuần tháng 6/2019, liên danh HLP Invest - Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Đông Sơn - Công ty Cổ phần Năng lượng Mirat Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc khảo sát đầu tư dự án cánh đồng gió Biển Cổ Thạch.

Đáng chú ý, mặc dù gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2019, nhưng không lâu sau đó liên danh nhà đầu tư "đứt gánh", khi hai thành viên là Thương mại Đông Sơn và Năng lượng Mirat được xác định là không có khả năng và năng lực để tham gia dự án. Chủ đầu tư lúc này chỉ còn lại duy nhất HLP Invest.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công Thương làm rõ và báo cáo gấp về thông tin “lỗ hổng xin - cho trong phát triển năng lượng tái tạo”, trong đó có đề cập đến dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận của Công ty Cổ phần Điện mặt trời VSP Bình Thuận II và dự án điện gió Biển Cổ Thạch ngoài khơi huyện Tuy Phong (theo đề xuất, đăng ký của Công ty Cổ phần Đầu tư HLP - HLP Invest).

PV PhapluatNet đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư HLP tại văn phòng làm việc của công ty để giải đáp những lo ngại cũng như thắc mắc của dư luận xung quanh dự án có vốn đầu tư rất lớn này.

Tỉnh cho phép chuyển nhượng

Về vấn đề bạn đọc quan tâm là liệu doanh nghiệp có xin dự án rồi chuyển nhượng cho đối tác khác mà cụ thể ở đây là đối tác Trung Quốc hay không? Ông Cường cho biết: “Bọn anh là những người gần như đi tiên phong trong lĩnh vực này, bọn anh xin dự án điện mặt trời từ khi còn chưa có cơ chế khuyến khích vì bọn anh xét thấy rằng xu hướng giá thiết bị giảm xuống, cơ hội đầu tư sẽ tăng lên nên bọn anh xin đầu tư từ những năm 2016. Cái Bình Thuận II (CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II- PV) bọn anh có chủ trương đầu tư từ 21/3/2017, sau đó triển khai, tiến hành các thủ tục, giải phóng mặt bằng, xây dựng…rồi đến tận tháng 2/2019 mới bắt đầu đăng ký bán.

Việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của dự án VSB Bình Thuận II đã được tỉnh đồng ý và tỉnh rất hoan nghênh bởi vì họ là doanh nghiệp lớn đầu tư ở Việt Nam, đó là doanh nghiệp Vina Solar, họ đã đầu tư ở Việt Nam khoảng 10 năm nay rồi và số lượng nhân công của họ lên tới hàng chục ngàn người, đóng góp cho ngân sách rất lớn.

Thời điểm anh chuyển nhượng xong cho bên nước ngoài là tháng 3/2019 mà cho đến 18/6/2019 thì nhà máy đã chính thức vận hàng thương mại. Nếu bọn anh không làm từ trước đấy thì làm sao mà có thể nhanh chóng đưa vào vận hành thế được. Thế cho nên phải nói rằng bọn anh đã đầu tư rất nghiêm túc. Còn việc chuyển nhượng cổ phần, thoái vốn là chuyện hết sức bình thường trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Bọn anh thấy rằng lợi nhuận là đủ rồi thì bọn anh chốt, bọn anh chuyển, bọn anh thoái vốn để bọn anh làm việc khác.

Thực ra nếu cái này nó tốt (Dự án điện gió, điện mặt trời - PV) thì nó phải có thị trường, phải có thanh khoản, thì mới thu hút được nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào khi đầu tư thì câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra cũng là có thoát vốn được không? Đấy là câu chuyện hết sức bình thường…do vậy ở góc độ dự án đầu tư thì đối với cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội quan tâm là dự án đấy triển khai được không, có thành công không, có tạo được lợi ích kinh tế xã hội hay không và không gây ô nhiễm môi trường…còn chuyện các cổ đông họ chuyển dịch là chuyện hết sức bình thường của cơ chế thị trường”.

Còn với dự án Biển Cổ Thạch, ông Cường chia sẻ: “Làm dự án thì có rất nhiều thứ phải triển khai mà khâu đầu tiên là khảo sát, sau đó đề xuất với Tỉnh và Chính phủ cho bổ sung vào quy hoạch, sau đó mới đến thủ tục đầu tư…thông thường để thực hiện một dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư là đầu tư phải phù hợp với quy hoạch nhưng câu chuyện ở đây là những dự án điện gió, điện mặt trời ở nhiều tỉnh công tác quy hoạch là chưa làm. Những dự án điện gió, điện mặt trời bọn anh làm là những loại dự án chưa có trong quy hoạch, đúng ra là nhà nước chưa bỏ ngân sách, thời gian và chi phí ra để làm điều này.

Mặt bằng tổng thể dự án VSP Bình Thuận II.

Những nhà đầu tư như bọn anh đi nghiên cứu khảo sát và nếu thấy rằng nó được thì lúc ấy bọn anh sẽ thuê tư vấn lập báo cáo đề nghị bổ sung quy hoạch. Sau khi dự án được bổ sung quy hoạch thì lúc ấy mới đến giai đoạn đăng ký đầu tư, không phải bọn anh làm quy hoạch là bọn anh được làm chủ đầu tư đâu, mới chỉ gọi là nhà đầu tư đề xuất thôi chứ lúc ấy bọn anh đăng ký đầu tư mà bọn anh không đủ năng lực thì đương nhiên là bọn anh không bao giờ được lựa chọn đầu tư. Nhất là đối với dự án đầu tư trị giá 4,4 tỷ USD thì nó không phải là chuyện đơn giản, đâu phải thuộc thẩm quyền của tỉnh nữa".

Nhà nước chẳng mất gì trong việc HLP xin khảo sát?

"Ở đây câu chuyện là nhà nước chẳng mất cái gì cả (?), bọn anh là doanh nghiệp, bọn anh bỏ tiền ra để khảo sát, đánh giá tiềm năng và sau đó nếu chính phủ công nhận bổ sung cái ấy vào quy hoạch vì thấy rằng là nó phù hợp với các mục đích về các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nó phù hợp với các quy hoạch khác, nó đáng để quy hoạch, thu hút đầu tư thì lúc ấy nhà nước phê duyệt. Nếu như không phê duyệt thì rủi ro bọn anh chịu.

Vậy nên trong giai đoạn khảo sát chả ai người ta yêu cầu phải chứng minh năng lực để thực hiện được dự án 4,4 tỷ USD cả, bọn anh có đủ tiền để khảo sát đã là may mắn rồi, nếu bọn anh bỏ tiền ra mà bọn anh không làm được, quy hoạch xong mà bọn anh không đủ năng lực thì nhà nước sẽ cấp cho chủ đầu tư khác.

Một dự án năng lượng phải có người đầu tiên đi khảo sát, nghiên cứu…sau khi thấy ổn rồi thì mới bắt đầu đến giai đoạn kêu gọi vốn. Dự án 4,4 tỷ USD với năng lực các nhà đầu tư trong nước, nói thẳng luôn là không đủ năng lực để triển khai đầu tư. Thế thì đương nhiên là phải hợp tác với nước ngoài. Chốt lại là việc về vốn chủ sở hữu không liên quan gì đến quy mô dự án cả. Giai đoạn khảo sát không yêu cầu về vốn chủ sở hữu nên cái vốn chủ sở hữu của anh (theo báo cáo của nhà đầu tư này, vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2018 là 1.347 tỷ đồng) mà để khảo sát là quá thừa. Khảo sát xong rồi nếu được thì lúc ấy anh kêu gọi nhà đầu tư, nếu không được thì anh mất tiền, nếu được thì anh có đối tác để triển khai", ông Cường chia sẻ.

Ông Cường tiết lộ thêm: “Dự án này bọn anh đang có đối tác nước ngoài, đối tác Tây hẳn hoi nhưng bọn anh không được phép tiết lộ, khi nào họ cho phép thì bọn anh mới được công bố thông tin, không có liên quan đến Trung Quốc ở đây”.

Về chuyện cổ đông của Công ty HLP Invest, ông Cường cho biết là cổ đông của công ty đúng như những gì báo chí nêu nhưng cho biết đấy là điều hết sức bình thường. Cụ thể trong 7 cổ đông của HLP Invest có hai nữ cổ đông là bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa và bà Phạm Thị Đông, trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa là phu nhân của ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có 2% cổ phần, còn bà Phạm Thị Đông là phu nhân ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản tập trung thuộc Cục Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tư pháp cũng có 2% cổ phần trong công ty.

Ngoài ra ông Cường còn tiết lộ rằng cổ đông của HLP Invest còn có một người đang là Phó phòng Đào tạo của một Học viện và cũng góp 2% cổ phần vào công ty này.

(Link gốc - https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/nghi-van-xin-du-an-roi-chuyen-nhuong-hlp-invest-noi-gi-ve-du-an-dau-tu-44-ty-usd-52040.html)

 Long Vũ theo Phapluatnet.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/nghi-van-xin-du-an-roi-chuyen-nhuong-hlp-invest-noi-gi-ve-du-an-dau-tu-44-ty-usd-d128214.html