Người có bằng B1 không được lái ô tô: Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói gì?

03/07/2020 09:31

Kinhte&Xahoi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới, có tổng cộng 17 hạng GPLX, trong đó 4 hạng được quy định không thời hạn và 13 hạng có thời hạn.

Phân lại hạng GPLX của Việt Nam để phù hợp với chuẩn hạng của quốc tế.

Dự thảo Luật giao thông đường bộ mới (thay thế Luật Giao thông đường bộ 2008) đang được lấy ý kiến góp ý.

Theo đó, dự thảo có 1 số điểm mới gây chú ý như, bằng hạng A1 chỉ lái xe từ trên 50 đến 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW đến 11 kW và các loại xe quy định cho GPLX hạng A0, thay cho xe từ trên 50 đến dưới 175 phân khối như hiện nay.

Bằng lái hạng B1 sẽ dùng cho người lái mô tô 3 bánh thay vì lái ô tô số tự động 9 chỗ trở xuống, xe tải số tự động dưới 3,5 tấn như hiện nay.

Theo quy định này, có thể hiểu người có bằng lái hạng A1 hiện nay sẽ không được điều khiển xe máy có dung tích 150 phân khối, hoặc người có bằng B1 không được điều khiển ô tô.

Thay đổi này khiến nhiều người người lo lắng phải thi lại hoặc đổi lại bằng vì nếu dự thảo được thông qua thì bằng hiện nay đang sử dụng chưa đúng quy định.

Bằng lái cấp hiện tại không ảnh hưởng bởi quy định mới

Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) Lương Duyên Thống cho hay, khi phân lại hạng GPLX thì tên gọi của hạng bằng lái cũng thay đổi theo tên gọi quốc tế. 

Cụ thể, hạng B1 trước đây quy định lái xe ô tô số tự động, theo quy định mới sẽ chuyển thành hạng B2. Còn hạng B1 số sàn và B2 sẽ chuyển hạng B.Đây chỉ là thay đổi tên gọi của hạng GPLX, còn đối với hạng A1 không thời hạn đã cấp trước đây thì người có bằng này tiếp tục được sử dụng điều khiển các loại xe ghi trong giấy phép.

Điều này có nghĩa, trước đây cấp hạng A1 được lái xe mô tô 175 phân khối thì người có GPLX vẫn tiếp tục được điều khiển.

Còn đối với những người có GPLX có thời hạn như B1 đối với ô tô thì sẽ tiếp tục được sử dụng lái các xe quy định trong GPLX đến 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.

Sau khi hết hạn sẽ thực hiện các thủ tục đổi bình thường sang hạng GPLX mới là hạng B2.

“Việc thay đổi phân hạng lại bằng lái trong dự thảo luật không ảnh hưởng đến việc sử dụng bằng lái hiện tại của người dân; không phát sinh thêm các thủ tục và chi phí trong quá trình thực hiện đổi bằng mới”, ông Thống nói.

Lý giải về việc phải thay đổi hạng bằng lái, Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái cho hay, hiện nay hạng GPLX của Việt Nam chưa phù hợp với chuẩn hạng của quốc tế nên phải phân lại cho phù hợp.

Việc này tạo điều kiện cho người sử dụng GPLX của Việt Nam ra nước ngoài hoặc những người sử dụng bằng lái nước ngoài vào Việt Nam được thuận tiện, tăng cường hội nhập quốc tế.

 Vũ Điệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-thong/nguoi-co-bang-b1-khong-duoc-lai-o-to-tong-cuc-duong-bo-viet-nam-noi-gi-d128564.html