Để phục vụ, thực hiện dự án cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đơn vị thi công đã dịch chuyển 34 cây sưa đỏ lùi vào trong so với vị trí ban đầu. Đồng thời lên phương án tổ chức cắt cành, tỉa ngọn đảm bảo cây sinh trưởng tốt, hợp mỹ quan sau khi di chuyển.
Ngoài ra, để bảo vệ cây sưa đỏ khỏi trộm cắp, đơn vị cho lắp đặt, nhiều lớp hàng rào sắt xung quanh từ gốc đến thân từng cây một, đồng thời lắp đặt hệ thống camera, cắt cử bảo vệ trông coi đêm đề phòng trộm cắp.
Theo ghi nhận của PV, 3 cây sưa đỏ quý hiếm trong hàng cây trên đang có dấu hiệu dần chết khô, kiệt quệ trong bọc sắt, thân cây mục nát, bong tróc, trụi lá, chỉ còn ít lá héo úa đậu trên cành... đứng trơ trọi giữa hàng cây đang trổ lá xanh um tùm.
"Từ lúc dịch hàng cây này vào đây là một số cây bắt đầu có dấu hiệu héo rồi, trời nắng nóng nên việc cây chết khô nhanh lắm, mà không có ai chăm sóc kỹ. Tôi biết đây là loài cây quý, có giá tiền tỷ, vì vậy để cây chết là rất lãng phí", một người dân làm việc trên đường Nguyễn Văn Huyên chia sẻ.
3 trên tổng số 34 cây sưa đỏ trên đường Nguyễn Văn Huyên đang có dấu hiệu dần chết khô
Thân, cành cây đều trụi lá.
34 cây sưa đỏ ở đây đều được bọc sắt để chống trộm.
Cây chỉ còn lại khung gỗ khẳng khiu, không có sức sống
Mảng thân cây bị bong tróc, mục rữa.
Cây sưa đỏ thường gọi trắc thối hay huê mộc vàng, là loài cây quý hiếm đã bị nghiêm cấm buôn bán trái phép vì mục đích thương mại.
Người dân cho biết nguyên nhân có thể do việc dịch chuyển vào không hợp thổ nhưỡng và khí hậu nắng nóng khiến cây dần chết khô.
Mỗi cây sưa đỏ ở đây có giá trị lên đến hàng tỷ đồng.
Hiện tại trên địa bàn có trên 3.800 cây sưa, trong đó có khoảng 700 cây sưa đỏ trồng rải rác quanh các điểm tại Hà Nội.
Phạm Duy - Theo Tiền Phong