Anh N.A.Đ người dân sống tại khu 5, xã Thụy Vân cho biết: “Tôi không rõ nhà mày gạch này có mỏ đất không, nhưng họ thường xuyên vận chuyển đất tại một số xã lân cận về đây. Việc mua bán của họ có hợp đồng, đóng thuế hay không thì tôi không dám khẳng định, nhưng có điều kỳ lạ là họ vận chuyên đất cả đêm”.
“Không chỉ có vậy, trong quá trình vận chuyển đất, họ làm vương vãi ra khắp đường, những hôm trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt. Người dân ở đây, và cả những ai hay tham gia giao thông qua đoạn đường này đều bức xúc lắm.”, anh Đ cho biết thêm.
Theo đó, PV có mặt tại Nhà máy gạch Thụy Vân “mục sở thị”, hình ảnh trước mắt chúng tôi còn hơn cả những gì người dân phản ánh. Phía trước là một núi đất, nằm ngay sát lề đường, bãi tập kết đất này nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ đê (vi phạm Luật Đê điều).
Trong quá tình tác nghiệp, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc xe chở đất, kéo nhau “ùn ùn” chạy về nhà máy. Không dừng lại ở đó, khoảng từ 19h – 0h đêm là lúc những chiếc xe này hoạt động mạnh nhất. Câu hỏi đặt ra, tại sao họ phải mua bán đất vào buổi tối như vậy? Liệu họ mua bán có hợp đồng, hóa đơn và đóng thuế cho Nhà nước hay không?
Để làm sáng tỏ nội dung này, PV liên hệ làm việc với phía nhà máy gạch Tuynel Thụy Vân, tuy nhiên sau nhiều ngày đặt lịch làm việc, phía nhà máy đều im lặng. Không bỏ cuộc, chúng tôi gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo nhà máy thì nhận được câu trả lời: “Nhà mày gạch Thụy Vân không vi phạm gì, còn nếu các anh thấy nhà máy gạch của chúng tôi vi phạm, hay gây ô nhiễm môi trường thì bảo tỉnh chuyển đi đâu thì chuyển”.
Quá bất ngờ trước câu trả lời đầy thách thức của vị lãnh đạo doanh nghiệp này, chúng tôi có trao đổi với ông Trần Quang Chương – Chủ tịch UBND xã Thụy Vân, ông Chương cho biết: “Vấn đề mà các anh phản ánh không phải là chúng tôi không biết, trong khuôn viên của Nhà máy gạch Thụy Vân thì không còn đất để múc nữa. Còn nguồn gốc đất như thế nào, có hợp đồng mua bán, đóng thuế hay không thì tôi cũng không nắm được, bởi nhà máy không thuộc phạm vi quản lý của xã”.
“Tôi cũng nghe nói một số tờ báo liên hệ công tác với phía nhà máy nhưng họ đều không tiếp”, ông Chương cho biết thêm.
Phải chăng lãnh đạo Nhà máy gạch Thụy Vân cho rằng, mình có “hậu thuẫn” nên muốn làm gì thì làm? Hay bên trong nhà máy còn những sai phạm gì mà không muốn cơ quan báo tiếp cận?
Việc nhà máy vi phạm Luật Đê điều, gây ô nhiễm môi trường thì đã rõ, còn vấn đề mua bán có hợp đồng, hóa đơn, đóng thuế hày không thì vẫn là một câu hỏi?
Rất mong các các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ sớm vào cuộc để làm rõ những nội dung này.
Báo sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.