“Dấu” hàng tỷ đồng
Đến lúc này, những xì xào sau cánh cổng UBND huyện Bình Giang (Hải Dương) mới bắt đầu lan rộng. Từ đây, các ban ngành của huyện Bình Giang mới ráo riết xác minh sự việc. Và những câu chuyện thú vị từ đây bắt đầu.
Chuyện là bắt đầu tư lá Đơn gửi tới Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh Hải Dương… trong lá Đơn này có ghi danh một số thành viên Ban Giải phóng mặt bằng huyện Bình Giang đã chi tiêu sai Luật Ngân sách Nhà nước.
Trụ sở UBND huyện Bình Giang (Hải Dương). Ảnh Chí Kiên.
Hai cái tên được nhắc đến là ông Vũ Quang Đáng (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng huyện) và ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, thành viên Ban Giải phóng mặt bằng huyện.
Nội dung đơn có nêu, Pháp luật Plus xin trích đăng một phần: “Trong năm 2017, trên địa bàn huyện có 7 trường hợp giao đất có thu tiền tại xã Hưng Thịnh với tổng số là 9.501.250.000 đồng. Số tiền này theo luật phải nộp vào tài khoản tạm thu của Phòng Tài chính tại Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Vũ Quang Đáng (lúc này làm Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng) và ông Nguyễn Văn Sơn đã cho nộp vào tài khoản của Ban Giải phóng mặt bằng huyện tại ngân hàng.
Sau đó, ông Vũ Quang Đáng và Nguyễn Văn Sơn đã chỉ đạo chuyển toàn bộ số tiền trên để trả cho các bên thi công san lấp mặt bằng mà không nộp vào Kho bạc Nhà nước để chi và nộp ngân sách theo quy định.
Đơn cũng nêu, sai phạm của ông Vũ Quang Đáng liên quan đến việc giao đất trái thẩm quyền tại xã Thái Học đã được Thanh tra tỉnh kết luận” - Hết trích đăng.
Liên quan đến nội dung việc giao đất trái thẩm quyền tại xã Thái Học, Pháp luật Plus đã có nhiều bài viết đăng tải khách quan sự việc này.
Được biết, ngay sau khi nhận được văn bản chuyển đơn từ cơ quan chức năng, UBND huyện Bình Giang đã tích cực phối hợp và làm rõ nội dung trong Đơn.
Không chỉ vậy, hiện nay vụ việc đang được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xác minh, làm rõ. Hiện, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang chuẩn bị ban hành kết luận về các nội dung tố cáo.
Sự việc không nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước huyện Bình Giang theo quy định mà chuyển thẳng vào tài khoản của Ban Giải phóng mặt bằng huyện do ông Vũ Quang Đáng là chủ tài khoản cũng được lãnh đạo UBND huyện Bình Giang xác nhận.
Tuy nhiên, số tiền thực tế với số tiền hơn chục tỷ đồng có nêu trong nội dung tố cáo có thật sự trùng khớp thì đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Vậy, nếu không có đơn thư gửi cơ quan chức năng về những hành vi bất minh của những người được cho là có chức, quyền trong bộ máy chính trị huyện Bình Giang thì số tiền này sẽ được “chi” ra sao?
Liệu rằng, các quan huyện đương nhiệm sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Hay lại nhìn nhau rút kinh nghiệm, và đơn giản hơn là nộp tiền hoàn trả vào ngân sách?
Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Bình Giang trong vụ việc này ra sao? UB Kiểm tra tỉnh uỷ tỉnh Hải Dương cần phải làm rõ, để người tố cáo tâm phục - khẩu phục.
Lấy tiền ngân sách đưa cho doanh nghiệp
Tiếp tục lộ những con số bí ẩn trong nội dung tố cáo gửi đi các cơ quan chức năng ở tỉnh Hải Dương, huyện Bình Giang lại thêm một liều thuốc đắng. 5,4 tỷ đồng, đó là con số mà Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện đã cho Công ty cổ phần BOT 38 mượn.
Và câu chuyện bi hài cũng dần lộ diện.
Trạm thu phí Quốc lộ BOT 38. Ảnh Chí Kiên
Được biết, việc dự án giải phóng mặt bằng để đầu tư, cải tạo nâng cấp quốc lộ 38 đoạn qua địa bàn xã Hưng Thịnh (Bình Giang). Dự án này có đoạn đi qua tại Ngã tư Quán Gỏi là nút giao giữa Quốc lộ 38 và Quốc lộ 5 nên có nhiều vướng mắc trong chi trả bồi thường hỗ trợ và thu tiền giao đất tái định cư.
Theo một báo cáo, trong đó có nêu. “Thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài từ 2015 đến 2018, do các hộ dân không nhận tiền bồi th ường hỗ trợ ngay mà nhận rải rác cùng với nộp tiền giao đất tái định cư (các hộ chỉ phải nộp phần tiền còn lại sau khi đối trừ với tiền được nhận bồi thường hỗ trợ). Trong khi đó nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT 38 cấp kinh phí giải phóng mặt bằng không kịp thời và còn thiếu nên Hội đồng đã phải ứng từ tiền thu giao đất tại định cư để chi trả qua hình thức đối trừ khi các hộ nộp tiền sử dụng đất đồng thời nhận tiền bồi thường hỗ trợ”.
Câu từ được đáng chú ý nhất trong đoạn văn bản trên đó là: “Công ty cổ phần BOT 38 cấp kinh phí giải phóng mặt bằng không kịp thời và còn thiếu nên Hội đồng phải ứng từ tiền thu giao đất tái định cư..”.
Vậy, câu hỏi đặt ra là việc mang số tiền đáng lẽ ra phải nộp vào Ngân sách nhà nước, nay phía Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Bình Giang lại “phấn kích” làm hộ việc đáng ra là của doanh nghiệp.
Vậy việc tự ý chi tiền là chủ trương của UBND huyện Bình Giang, của lãnh đạo huyện Bình Giang hay là của Hội đồng giải phóng mặt bằng?
Phía doanh nghiệp là Công ty cổ phần BOT 38 đã chủ động “nhờ cậy” phía UBND huyện hay phía huyện chủ động chi tiền?
Đây chỉ là một số ít câu hỏi quan trọng trong vụ việc này cần được làm sáng tỏ. Từ đó, sẽ thấy được trách nhiệm của những vị quan huyện Bình Giang ra sao?
Theo một báo cáo nêu rõ: Số tiền đã thu tiền đất là 12,7 tỷ đồng (trong đó, số tiền Công ty cổ phần BOT 38 phải trả là 5,4 tỷ đồng; ứng chi trả bồi thường hỗ trợ là 1,2 tỷ đồng; Nộp vào tài khoản thạm thu là 5,9 tỷ đồng).
Như vậy, theo báo cáo này, cho tới ngày 1/2/2019 thì số tiền 5,9 tỷ đồng ngoài ngân sách mới được các vị “quan huyện” nộp vào Kho bạc nhà nước huyện Bình Giang.
Vậy, trước đó, số tiền này nằm ở tài khoản nào, được sử dụng ra sao? Việc này đang được cơ quan công an, cơ quan Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Hải Dương làm rõ.
Vậy, phía Công ty cổ phần BOT 38 biện minh cho số tiền 5,4 tỷ đồng “nợ” UBND huyện Bình Giang ra sao?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.