Sa thải giáo viên ồ ạt: Thầy cô hợp đồng… “ngồi trên đống lửa”

26/05/2019 07:54

Kinhte&Xahoi Những năm qua, giáo viên hợp đồng lên tiếng “kêu cứu” trước nguy cơ bị sa thải ở hầu khắp các địa phương. Không chỉ 500 giáo viên ở Đắc Lắc, 296 giáo viên ở Sóc Sơn, tới 114 giáo viên ở Đông Anh kêu cứu thời gian vừa qua vì mất việc.

Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn “kêu cứu”.

Bởi thực tế tréo ngoe, kể cả họ là giáo viên dạy giỏi, có thâm niên 20-30 năm thì cũng khó vượt qua các cuộc thi “sinh tử với giáo viên hợp đồng: nếu trượt sẽ bị sa thải…

Cuộc thi “sinh- tử”

Ngay tại Hà Nội, theo thống kê trên toàn TP, có đến hơn 2.700 trường hợp trải khắp ở 20 quận, huyện. Đơn cử hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Hà Nội) theo thông báo, sau kỳ thi viên chức ngành giáo dục lần này, những giáo viên không tham gia thi hoặc thi trượt sẽ bị chấm dứt hợp đồng.


Hơn thế, các giáo viên tiếp tục được phát đến tận tay bản cam kết rằng sẽ tự nguyện chấm dứt hợp đồng nếu thi không đỗ. Giáo viên buộc phải ký vào bản cam kết mới được đăng ký dự thi viên chức lần này. 

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, kế hoạch tuyển dụng giáo viên (GV) của thành phố thực hiện theo Nghị định 161 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Trong các tiêu chuẩn tuyển dụng GV đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ và tin học. Với quy định thi tuyển ngoại ngữ, những thầy cô giáo có thâm niên hơn 20 năm trong nghề có nguy cơ phải rời bục giảng.

Thực tế, nhiều giáo viên cho biết, họ không ngại thi, mà chỉ sợ không công bằng. Một thầy giáo có thâm niên hơn 15 năm dạy tại Sóc Sơn cũng trải qua 2 lần thi tuyển viên chức nhưng đều trượt. Lần đầu vào năm 2012, thi 2 môn là viết giáo án và thi dạy, thầy đều đạt điểm rất cao, nhưng không hiểu vì sao bị trượt.

Cô T, giáo viên THCS ở Sóc Sơn chia sẻ: “20 năm nay công tác, tôi nghĩ mình là viên chức rồi, vì lương tôi được xếp ngạch A0, mã số ngạch là 15113 trong bảng lương công chức viên chức và hằng năm tôi vẫn được đánh giá là viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các thầy cô không phải sợ thi mà trong thi cử không ai nói trước điều gì, ngay cả những cuộc thi lớn vẫn có tiêu cực. Vì thế, kể cả các thầy cô dạy giỏi, đạt nhiều thành tích cũng không ai dám chắc bước vào cuộc thi này mình sẽ đỗ, được tuyển”.

Các thầy cô cũng chỉ ra những bất cập trong kỳ thi viên chức lần này. Cô M (Đông Anh) cho biết, năm 2013 có chủ trương xét đặc cách cho các GV hợp đồng lâu năm. Nhưng thời điểm đó, các cô không được huyện thông báo. Một số giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng của huyện Đông Anh cho biết, họ đã bỏ lỡ đợt xét đặc cách năm 2013 với lý do bị đóng bảo hiểm thiếu thời gian. Theo các giáo viên thì chính sự thiếu quan tâm của lãnh đạo huyện và sự buông lỏng quản lý trong hàng chục năm là một phần nguyên nhân đẩy họ đến cơ sự này.

Nhiều thầy cô cho rằng, chưa thi họ đã biết là rớt bởi những tiêu chuẩn đó áp vào những giáo viên lâu năm như họ là không phù hợp. Cô T (Đông Anh) phân tích: Việc áp tiêu chí tiếng Anh là vô lý, không khả thi vì không thể áp dụng với thế hệ GV lâu năm được, chỉ áp dụng với những thế hệ trẻ mới ra trường. Thứ hai là, như tôi dạy môn Sử, môn Giáo dục công dân cũng không dùng gì đến tiếng Anh. Đó là lý thuyết suông, không thực tế và bằng cấp chỉ mang nặng tính hình thức.

Có giáo viên còn thẳng thắn bày tỏ, họ muốn xóa bỏ hợp đồng, muốn đuổi giáo viên hợp đồng ra đường rồi lại tuyển mới, nên mới quy định thi công chức bằng ngoại ngữ. Nếu loại bỏ được 256 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn, địa phương sẽ dôi dư một khoản ngân sách (vì giáo viên hợp đồng lâu năm mức lương khá cao). Tuyển mới, trả lương khởi điểm lại quá thấp. Và biết đâu đó, đã chẳng có những “miếng mồi bẻo bở”. Phải chăng vì những món lợi này mà các thầy cô giáo hợp đồng nơi đây và nhiều nơi khác đã chẳng có được cơ hội đặc cách? …
 
Thực tế và bằng cấp

Tại các địa phương, hiện số lượng giáo viên giảm chủ yếu là do nghỉ chế độ, chuyển công tác, dẫn đến những khó khăn, lúng túng cho cơ sở giáo dục trong việc sắp xếp giáo viên khi chỉ được tuyển mới bằng 50% số giáo viên đã giảm (có những bộ môn, mỗi trường chỉ được phân bổ từ 1 đến 2 giáo viên).

Trong khi đó, số học sinh tăng không ngừng. Và việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì. Đầu mối về tuyển dụng giáo viên ngành GD không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. 

PGS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Ai sử dụng thì người đó phải là người tuyển. Chứ tuyển dụng giáo viên mà giao hoàn toàn cho Bộ Nội vụ là không hợp lý. Ví dụ, cô giáo mầm non có thể học lên thạc sĩ nhưng quá trình học thạc sĩ không phải học về Toán, Văn mà giáo viên đó học sâu về tâm lý giáo dục. Do đó, không phải cứ tốt nghiệp thạc sĩ là có thể dạy bậc học khác”... . 

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng: Trong xu thế giáo dục hiện nay, một lớp ngày càng ít HS thì càng không thể thiếu giáo viên, nhất là trong tình hình đổi mới giáo dục. Bởi nếu chúng ta thực hiện được 35 HS/lớp thì chất lượng giáo dục tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, phải tính toán cần đào tạo bao nhiêu GV, chứ không thì một bên cứ đào tạo, một bên cứ tuyển và cứ thải.

Để giải quyết tình trạng thừa/thiếu giáo viên, cần phải có cuộc họp toàn ngành giáo dục để tìm ra nguyên nhân cơ bản và xem việc đào tạo giữa trường sư phạm có gắn với nhu cầu nhân lực của các tỉnh không, hay mạnh ai nấy làm? Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ phải tổ chức hội nghị khoa học giải bài toán sao cho việc đào tạo phải khớp với việc sử dụng, nếu không như hiện nay thì rất đáng buồn.

Liên quan đến câu chuyện nhiều giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức kêu cứu vì lo sợ nguy cơ mất việc, nếu trượt trong kỳ thi tuyển dụng viên chức sắp tới, ông Nguyễn Đức Chung- chủ tịch TP Hà Nội đã cho biết: TP Hà Nội đang chỉ đạo tất cả các quận, huyện rà soát lại toàn bộ thực trạng số giáo viên đã, đang nằm trong hợp đồng sẽ phải thi tuyển trong đợt này. Ông Chung khẳng định, đợt thi tuyển này phải đảm bảo mục tiêu giải quyết được tất cả những tồn đọng trong vòng khoảng 20 năm qua về vấn đề để giáo viên hợp đồng. 

Tuy nhiên, theo cô H.T (Sóc Sơn) bày tỏ: Như ông Chủ tịch thành phố nói sẽ giải quyết tất cả tồn đọng của lịch sử nhưng vẫn thi là không thỏa đáng. Lịch sử đặc biệt thì cũng cần có cơ chế đặc biệt để xét tuyển.

Để đảm bảo quyền lợi cho GV lâu năm nên dựa vào thâm niên công tác và thành tích đóng góp nhiều cho ngành thì được ưu tiên đặc cách như Nghị định 29 trước đây. Sóc Sơn đang có kế hoạch tuyển gần 500 giáo viên cấp I và cấp II, vậy có nghĩa là các trường vẫn đang thiếu giáo viên. Đây cần coi là cơ hội để Sóc Sơn sửa sai những vấn đề lịch sử để lại. Cách giải quyết này công bằng và thực tế, chứ không phải dựa vào hình thức bằng cấp”, cô giáo thẳng thắn nhấn mạnh... 

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhà mạng Vietnamobile “trơ trẽn” đến thế là cùng?!

Không chỉ ngang nhiên thừa nhận rằng bản thân nhà mạng không muốn cho những thuê bao số đẹp chuyển quan sử dụng mạng khác theo qui định về chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao của Bộ Thông tin và Truyền thông mà nhà mạng Vietnamobile đang không từ mọi “chiêu trò” dù là bất chấp qui định của pháp luật để ngăn cản yêu cầu chuyển mạng của khách hàng.