Sai phạm tại tòa nhà Diamond Flower Tower: Sở ngành nào đã điều chỉnh nâng từ 6 lên 39 tầng!

27/06/2022 07:47

Kinhte&Xahoi Theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, Tòa nhà Diamond Flower Tower của Handico6 đã được điều chỉnh 4 lần, nâng tầng từ 6 lên đến 39 tầng.

Tòa nhà Diamond Flower Tower nằm trên đường Lê Văn Lương.

Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây đã ban hành kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr thanh tra Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; các chủ đầu tư dự án và tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Điển hình như tại dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (được biết đến với tên thương mại là Diamond Flower Tower) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội (Handico6) làm chủ đầu tư, đã có nhiều vi phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch, tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội, tiền thân là Công ty đầu tư phát triển nhà số 6 Hà Nội (trực thuộc Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội, Handico). Tại lần thay đổi đăng ký kinh doanh năm 2017, có vốn điều lệ 144 tỷ đồng, trong đó cổ phần nhà nước chỉ còn lại 17,09%.

Handico6 hiện đang triển khai một số dự án lớn trên địa bàn TP Hà Nội như: C1 Trung Hòa-Nhân Chính, 102 Nguyễn Khuyến, CT C2 khu Trung Hòa-Nhân Chính, 76 Nguyễn Chí Thanh, HH2 Cầu Trại,  phường Trung Văn… 

Tại dự án Diamond Flower Tower, UBND TP Hà Nội một lần điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 3 lần tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định của pháp luật.

Theo Kết luận Thanh tra, Dự án đã điều chỉnh chỉ tiêu cụ thể như sau: Hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần thành 4,3 lần, thành 1,92 lần, thành 6 lần, rồi thành 13,4 lần; Mật độ xây dựng từ 31% thành 39,2%, thành 31%, thành 40%, rồi thành 40,05%; Tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21, 30, 36 rồi thành 39 tầng; Chức năng từ thương mại - dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp - nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại - dịch vụ cao cấp - nhà ở, dân số tăng thêm 912 người (tạm tính 228 căn x 4 người/căn).

UBND TP Hà Nội đã cho phép Handico6 chuyển mục đích sử dụng 5.230 m2 đất ô C1 từ Trung tâm thương mại - Dịch vụ công cộng sang Trung tâm thương mại - Dịch vụ công cộng và nhà ở cho thuê (thuê đất 50 năm); tiếp tục điều chỉnh 2.088 m2 để xây dựng công trình Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng và nhà ở, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất lâu dài là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, điều chỉnh không đánh giá mức độ ảnh hưởng do tăng mật độ dân số gây áp lực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 47, Điều 48 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Bản vẽ cấp phép thể hiện từ tầng 2 đến tầng 5 văn phòng cho thuê là sai với phương án kiến trúc được chấp thuận tại Văn bản số 2966 ngày 26/8/2011.

Về giấy phép xây dựng của dự án Diamond Flower Tower, bản vẽ cấp phép thể hiện từ tầng 2 đến tầng 5 văn phòng cho thuê là sai với phương án kiến trúc được chấp thuận tại Văn bản số 2966 ngày 26/8/2011. Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ, trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng, Handico 6 và đề nghị Sở Xây dựng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có vi phạm. 

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết, các hành vi vi phạm của chủ đầu tư đã được Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, quyết định xử phạt, báo cáo UBND TP Hà Nội nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2020) chưa xử lý triệt để.

Đơn cử như chủ đầu tư sử dụng khoảng 1.211 m2 làm văn phòng làm việc tại tầng L1 kỹ thuật; sử dụng 247 m2 sàn, trong đó 163 m2 sàn lửng kết cấu theo làm dịch vụ ăn uống tại tầng L2 kỹ thuật; mở rộng sàn lửng tầng B2 khoảng 1.500 m2 bằng tấm bê tông trên hệ dầm thép để xe máy…

Chủ đầu tư xây dựng Nhà hàng café diện tích 150m2 kết cấu khung thép, vách kính, mái lợp tol 2,7m theo quy hoạch tổng mặt bằng là bể cảnh và vườn cây, vi phạm khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014.

UBND quận Thanh Xuân, Đội QLTTXDĐT quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính không xử lý vi phạm trật tự xây dựng vi phạm khoản 2 điểm b khoản 2 Điều 3 Quy chế ban hành theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/2/2014.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng, UBND quận Thanh Xuân theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức cá nhân có vi phạm.

Đồng thời, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở ngành, UBND quận Thanh Xuân xử lý dứt điểm các vi phạm tại dự án Diamond Flower Tower. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Lê Hải - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/sai-pham-tai-toa-nha-diamond-flower-tower-so-nganh-nao-da-dieu-chinh-nang-tu-6-len-39-tang-d184497.html