Thất thoát hàng tỷ đồng tại Dự án cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi?

22/10/2018 09:36

Kinhte&Xahoi Sau nhiều lần được gia hạn, đến nay Dự án cũng mới chỉ thi công đạt khoảng 30% giá trị khối lượng.

Theo tiến độ đã được phê duyệt, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km185 - Km189) huyện Thanh Trì do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý IV năm 2013. Nhưng sau nhiều lần được gia hạn, đến nay Dự án cũng mới chỉ thi công đạt khoảng 30% giá trị khối lượng.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi dài khoảng 3,8km, có tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng.

Thi công “rùa bò”

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới được ban hành gần đây, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Dự án NC QL1A) có tổng chiều dài khoảng 3,8km, mặt cắt ngang toàn tuyến là 46m, có tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách. 

Theo quyết định phê duyệt của UBND TP Hà Nội, tiến độ thực hiện Dự án từ quý IV/2010 - quý IV/2013. Sau đó, Dự án đã được điều chỉnh tiến độ hoàn thành 2 lần đến hết năm 2017.

Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra (đầu năm 2018), Dự án vẫn đang thực hiện dở dang, chỉ đạt khoảng 30% giá trị khối lượng. Giá trị nghiệm thu cho toàn bộ Dự án đạt gần 223 tỷ đồng, giá trị đã thanh toán 222,5 tỷ đồng, trong đó giá trị phần xây lắp gần 96 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 118 tỷ đồng.

Qua thanh tra cho thấy, Dự án bị chậm tiến độ nhiều năm nhưng chủ đầu tư là Sở GTVT Hà Nội đã không kịp thời báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định, dẫn đến các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện với các nhà thầu xây dựng được ký sau ngày hết hạn hợp đồng.

Theo cơ quan Thanh tra, điều này là vi phạm khoản 4 Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP và khoản 1 Điều 34, khoản 3 Điều 38 Nghị định 48/2010/NĐ-CP.

Kết luận thanh tra cũng cho biết, một nguyên nhân nữa khiến Dự án dang dở, chậm tiến độ là do các nhà thầu không lập tiến độ tổng thể và chi tiết cho từng hạng mục, từng thời điểm để thực hiện tiến độ hợp đồng và trình chủ đầu tư xem xét chấp thuận theo hợp đồng đã ký.

Hành vi này được đánh giá là vi phạm Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình và không tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký.

Mặc dù tiến độ thực hiện Dự án không bảo đảm theo yêu cầu do chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công, đồng thời nguồn vốn cấp cho Dự án hạn chế, nhưng chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng thực hiện với các nhà thầu, vi phạm khoản 1 và khoản 5 Điều 72 Luật Xây dựng 2003 về điều kiện để khởi công xây dựng công trình.

Chất lượng công trình không bảo đảm

Qua kết quả thanh tra cũng cho biết, ngày 25/8/2010, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 4139/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án nêu trên, trong đó công tác tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công được chia thành 2 gói thầu (1,19 tỷ đồng và 2,66 tỷ đồng) để chỉ định thầu.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc phân chia 2 gói thầu nói trên là vi phạm khoản 4 Điều 6, khoản 7 Điều 12 Luật Đấu thầu 2005 và Thông tư 02/2009/TT-BKH về hướng dẫn lập kế hoạch đấu thầu.

Đáng chú ý, tại các gói thầu số 8, 9, 10 và 11 của Dự án việc áp dụng hệ số (2%) chi phí trực tiếp khác không đúng quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BXD đã làm tăng giá trị 4 gói thầu  gây thất thoát ngân sách nhà nước 742 triệu đồng.

Tại  ba gói thầu 8, 9, 10 đều áp dụng 2 định mức thi công bằng máy và thủ công đối với công tác đào đắp đất bằng cách phân chia khối lượng theo tỷ lệ % không đúng định mức dự toán xây dựng của Bộ Xây dựng. Giá trị chênh lệch tăng giữa thi công thủ công và máy không đúng quy định chênh gần 4,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại các gói thầu số 8, 9, 10 của Dự án, Sở GTVT Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chi phí phát sinh đối với cả khối lượng chưa thi công với tổng giá trị hơn 14,7 tỷ đồng vi phạm Điều 35, Điều 36 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và Điều 3, Điều 7 Thông tư 08/2010/TT-BXD hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các nhà thầu ở Dự án này đã không vận chuyển đổ thải tại vị trí đã được lập trong dự toán mà thuê một số đơn vị không có tên trong hồ sơ dự thầu vận chuyển đổ thải. Tư vấn giám sát và Ban Quản lý Dự án chỉ tiến hành nghiệm thu khối lượng đất thải đổ đi được vận chuyển ra khỏi công trường, do đó không có cơ sở quản lý và xác định được cự ly đổ, vị trí đổ thải thực tế.

Liên quan đến chất lượng công trình của Dự án, theo kết quả khoan, kiểm định chất lượng công trình của Viện Công nghệ giao thông – Bộ GTVT đối với mục bê tông nhựa, cấp phối đá dăm tại Km 187+360 phải tuyến cho thấy, tổng chiều dày kết cấu, tổng chiều dày các lớp bê tông nhựa, tổng chiều dày lớp móng, lớp lót đều lớn hơn so với thiết kế, hàm lượng bê tông nhựa lớp dưới và trên không thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật. 

Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, rà soát công tác vận chuyển đồ bùn, đất hữu cơ của một số nhà thầu do không chứng minh được khối lượng thực tế vận chuyển đổ thải, thu hồi về ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở kết quả khoan, kiểm định chất lượng công trình của Viện Công nghệ giao thông đối với hạng mục bê tông nhựa, cấp phối đá dăm tại một số vị trí của Dự án, kiểm tra, rà soát, khắc phục và giảm trừ quyết toán đối với khối lượng thiếu so với thiết kế, kỹ thuật đã được phê duyệt.

 

Theo Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM