Thường trực Chính phủ họp về công tác tổ chức Hội nghị WEF ASEAN

23/08/2018 08:12

Kinhte&Xahoi Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về công tác tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), được xem là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm 2018 của Việt Nam.

Theo Ban Tổ chức, Hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội, có chương trình nghị sự với gần 60 phiên họp, hoạt động, trong đó có nhiều phiên toàn thể được truyền hình, phát trực tiếp trên trang web của WEF và các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới.

Đến nay, có 8 Tổng thống, Thủ tướng các nước đã khẳng định dự Hội nghị. Như vậy, đây là Hội nghị WEF ASEAN có số lượng tổng thống, thủ tướng tham dự đông nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Đến nay, đã có khoảng gần 40 đại biểu cấp bộ trưởng khẳng định dự Hội nghị. WEF ước tính tới Hội nghị sẽ có khoảng gần 50 đại biểu cấp bộ trưởng dự.

Nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Thế giới (WB); Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC); Ủy hội sông Mekong (MRC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)... tham dự.

Đã có khoảng gần 800 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực khẳng định tham dự và dự kiến sẽ có thêm nhiều lãnh đạo tập đoàn quốc tế đăng ký tham dự. Hầu hết các tập đoàn dự Hội nghị WEF ASEAN nằm trong 1.000 tập đoàn lớn nhất thế giới.

Phiên Khai mạc toàn thể Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch sáng lập WEF đồng chủ trì với sự tham dự của khoảng 800-1.000 đại biểu.

Nhân dịp này, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam cũng sẽ được tổ chức với chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy - Kết nối sáng tạo” với hơn 1.000 đại biểu gồm các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế và trong nước dự.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh đó, Hội nghị có diễn đàn mở về “ASEAN 4.0 vì mọi người dân” với nội dung tập trung vào khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc tổ chức chuẩn bị của các bộ, ngành liên quan đối với sự kiện quan trọng được tổ chức bởi Việt Nam, quốc gia đầu tiên mà WEF ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình PPP (vào tháng 1/2017).

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải tạo ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh Việt Nam thông qua WEF ASEAN lần này tại Hà Nội. Mọi công việc phải được chuẩn bị chu đáo, có phương án cụ thể, kỹ càng để tạo nên ấn tượng tốt đẹp này. “Đón tiếp làm sao, văn hóa thể hiện thế nào, vệ sinh môi trường thế nào, Việt Nam có sáng kiến gì…”, Thủ tướng đặt vấn đề và lưu ý việc đón tiếp chu đáo ngay từ sân bay, khi các đại biểu đặt chân tới Việt Nam, cho đến nơi ăn ở, thể hiện lòng mến khách, tình cảm, ân cần, hòa nhã.

Việc tổ chức Hội nghị WEF ASEAN cần bảo đảm hiệu quả, bảo đảm an ninh an toàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền không chỉ trong nước mà ra cả thế giới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí tác nghiệp về Hội nghị.

Với số lượng đại biểu tham dự đông, hơn 2.000 người, trong đó có nhiều tập đoàn nước ngoài, thì vấn đề kết nối, hợp tác đầu tư kinh doanh rất quan trọng.

Các tiểu ban cần có phương án, kịch bản chi tiết, phân công cụ thể và tổ chức tổng duyệt, rà lại toàn bộ các công việc.

UBND TP. Hà Nội cần quan tâm công tác chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp hơn, tạo ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế đến tham dự về một Thủ đô văn minh, nề nếp.

Nhắc lại thành công của một số hội nghị gần đây tại Việt Nam như APEC, GMS-6 và CLV-10, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “không được chủ quan” cũng như lưu ý việc huy động các nguồn lực xã hội trong việc tổ chức Hội nghị.

Theo chinhphu.vn/hoanhap.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM