Đồ nướng vỉa hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP.
Mối lo về nguồn gốc thực phẩm
Đồ nướng là món ăn đường phố hút khách, đặc biệt là giới trẻ, vì hương vị hấp dẫn, thực đơn đa dạng và giá cả phải chăng. Với mức giá dưới 200.000 đồng/người/lần ăn, thực khách có thể thoải mái lựa chọn những món ăn như nầm lợn, nầm bò, thịt ba chỉ, dạ dày, bạch tuộc, chân gà, bánh mỳ bơ, rau củ...
Mô hình quán nướng buffet giá “siêu rẻ” nhanh chóng xuất hiện ở vỉa hè của nhiều tuyến phố. Chỉ với vài chiếc bàn, ghế nhựa, trên bàn đặt bếp nướng loại nhỏ và thực phẩm tươi sống, các quán vẫn thu hút khá nhiều khách. Ngon, rẻ, đó là lý do chính mà không ít người lựa chọn sử dụng đồ nướng vỉa hè. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, với mức giá thấp như vậy thì chất lượng thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không?
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển số lượng lớn thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí đã bốc mùi hôi thối. Trong đa số trường hợp, người vận chuyển cũng như chủ hàng đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng như phiếu kiểm định chất lượng. Trong số này, có rất nhiều mặt hàng được sử dụng tại các quán bán đồ nướng như nội tạng, chân gà, nầm lợn. Những loại nguyên liệu không đảm bảo chất lượng này có khi đã được tẩy trắng, tẩm ướp gia vị, trông bắt mắt và tỏa mùi thơm hấp dẫn nên khách hàng khó có thể phân biệt được.
Các loại thực phẩm nói trên, đặc biệt là nội tạng động vật, đòi hỏi phải được sơ chế thật kỹ càng, nếu làm qua loa thì những loại ký sinh trùng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể, gây nên một số loại bệnh nguy hiểm như bệnh tả, viêm gan, thương hàn, kiết lỵ. Chưa kể nguy cơ khác khi các loại rau củ và nguyên liệu khác để làm đồ nướng khác không được rửa sạch sẽ, bảo quản không đúng cách, bị nhiễm bụi bẩn từ vỉa hè... Trong thực tế, đa phần các quán đồ nướng vỉa hè thường có cơ sở vật chất tạm bợ, nguồn nước sinh hoạt hạn chế.
Sướng miệng - hại sức khỏe
Việc thường xuyên ăn đồ nướng có thể gây tổn hại đến sức khỏe - đó là khẳng định của PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia. Các món nướng ăn thì ngon, giàu đạm nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, khi thịt nướng ở nhiệt độ cao, các chất đạm sẽ khó tiêu hơn, dẫn đến đầy bụng, có cảm giác ậm ạch sau khi ăn.
“Ở nhiệt độ cao, các chất béo trở nên không tốt cho tim mạch. Người ăn nhiều món nướng có thể bị mỡ máu cao. Một số chất sinh ra khi nướng kết hợp với khói và chất đạm có thể là nguyên nhân tác động xấu dẫn tới một số bệnh (tim mạch, xương khớp), ăn nhiều có thể gây ra ung thư” - PGS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Nhiều người nghĩ rằng, việc nướng thực phẩm bằng bếp cồn khô hay nướng với bơ sẽ an toàn hơn vì cồn Ethanol là nhiên liệu sạch, an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, hiện trên thị trường, các loại cồn Methanol (có thể gây ngộ độc) có giá rẻ hơn nhiều so với cồn Ethanol. Nếu cửa hàng sử dụng cồn Methanol thì khi đốt cháy, khói của nó có thể chứa một lượng hơi Methanol chưa kịp cháy, nếu thực khách hít phải một lượng lớn hơi Methanol thì dễ có nguy cơ bị ngộ độc.
Theo PGS.BS Nguyễn Thị Lâm, để hạn chế những chất độc hại của thịt nướng thì cần phải có kỹ thuật nướng tốt. Mọi người chỉ nướng các món thịt trên than hồng khi đã hết khói, nướng thịt nhanh ở nhiệt độ vừa phải, không nên nướng ở nhiệt độ quá cao. Khi ăn thịt nướng, nên ăn kèm với các loại rau xanh để tăng cường các chất chống oxy hóa. Không ăn phần thịt nướng bị cháy hoặc nướng quá khô.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo, đồ nướng là món ăn rất ngon miệng nhưng tối đa chỉ nên ăn 1 lần/tuần với số lượng vừa phải - khoảng 100g thịt/lần. Những người có tiền sử đau dạ dày thì không nên ăn thịt nướng để tránh bị khó tiêu. Người già cũng như người có vấn đề về tim mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp... cũng cần hạn chế ăn đồ nướng.
Bảo Ngọc- Hà Nội mới