TP Hồ Chí Minh: Giá xăng giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn ở mức cao

30/07/2022 11:02

Kinhte&Xahoi Dù giá xăng đã giảm mạnh nhiều ngày, thế nhưng giá cả hàng hóa tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh vẫn chưa “hạ nhiệt”. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng, tiểu thương "sốt ruột" chờ đợi giá hàng hóa giảm theo giá xăng.

Theo ghi nhận, các mặt hàng thực phẩm như thịt heo, cá, rau, củ, quả,… ở các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh vẫn giữ mức giá cao.

Tiêu biểu tại chợ Bình Thới (Quận 11), giá cả các mặt hàng thực phẩm vẫn đang ở mức giá cao, thậm chí nông sản vẫn trên đà tăng mạnh, chưa có dấu hiệu chững lại.

Giá cả các mặt hàng thực phẩm vẫn đang ở mức giá cao tại chợ Bình Thới (Quận 11)

Được biết, lượng khách đến chợ đã vắng đi rất nhiều. Nhiều tiểu thương rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài, do vậy phải “gồng mình” trước mức giá tăng vọt. Nhiều tiểu thương cho biết, do thời tiết thay đổi nên nông sản dễ hư hỏng kéo theo giá cả vẫn ở mức cao, việc xăng giảm cũng không ảnh hưởng đến vật giá nguồn nhập. Hiện tại, giá một số mặt hàng như bầu, bí, khổ qua... vẫn đang tăng. Điển hình như khổ qua đã đạt 40.000 đồng/kg, so với trước đây là chỉ khoảng 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg.

Đối với thịt heo, nhiều tiểu thương cho biết, thịt heo hiện nay vẫn đang ở mức giá cao. Theo đó, heo hơi có giá nhập gần 100.000 đồng/kg; Heo mảnh có giá 100.000 đồng/kg, so trước đây chỉ hơn 70.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá cả tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Điển hình, như thịt giò có giá nhập trước đây là 70.000 đồng/kg, hiện tại đã đạt 85.000 đồng/kg. Nguyên do được cho là từ phía nguồn cung cấp vẫn giữ giá cao nên bắt buộc các tiểu thương phải tăng giá. Việc giữ giá cao khiến khách hàng cũng e dè hơn khi đến mua.

Chị Hà, tiểu thương bán rau củ tại chợ Bình Thới cho biết: “Giá xăng giảm 2 tuần nay nhưng giá rau củ vẫn tăng thêm. Hàng hóa của Đà Lạt không đắc bằng hàng hóa nhà vườn ở đây, trong khi thời điểm trước thì đồ Đà Lạt đắc hơn. Từ hôm qua đến hôm nay, bầu, bí, khổ qua... lên giá gần 10.000 đồng/kg”.

Giá rau củ tại các chợ cũng còn cao

Trước tình hình giá cả như hiện nay, các tiểu thương mong sớm điều chỉnh lại mặt bằng giá để cả người mua và người bán được hưởng lợi và thoát cảnh “chợ vắng người” như hiện nay.

Chị Kim Phượng, một tiểu thương khác cho biết, giá tăng từ nguồn nên tiểu thương cũng phải chấp nhận, chỉ mong giá sớm ổn định để có thể buôn bán lại được như trước. “Mong muốn giá heo rẻ để bán, bán đắt hàng hơn và người dân vào chợ mua nhiều hơn. Buôn bán trong chợ có nhiều loại tiền phí nên mong khách vào đông để có tiền trang trải cuộc sống”, chị Phượng nói thêm.

Theo Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,91% so tháng trước, trong đó có 9 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng. Đơn cử chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,05%; Nhóm thực phẩm tăng 1,27% chủ yếu do thịt gia súc gia cầm, trứng, dầu thực vật… tiếp tục tăng.

Hồng Ngọc - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-ho-chi-minh-gia-xang-giam-manh-gia-hang-hoa-van-o-muc-cao-202231.html