Vải thiều Việt Nam dự kiến sang Nhật trong tháng 6 này

05/06/2020 09:04

Kinhte&Xahoi Với sự có mặt của chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giám sát việc xuất khẩu, khả năng những lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam sẽ lên đường sang Nhật trong tháng 6 này...

Vải thiều Bắc Giang. (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, chiều ngày 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam trên chuyến bay VN311. Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan hữu quan để đón chuyên gia theo đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19. Tham gia đoàn đón chuyên gia còn có đại diện của Đại sứ quán Nhật Bản.

Đây là sự kiện được mong chờ, bởi trước đó, tại cuộc họp trực tuyến hôm 14/5, Cục BVTV và các đối tác liên quan của Nhật Bản cũng đã xác định khó khăn nhất hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) không thể cử chuyên gia của Cục BVTV Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu (XK) của Việt Nam. 

Trước đó, ngày 28/5, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: Không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép XK như yêu cầu của phía Nhật Bản. 

Ngay sau khi đến Việt Nam, chuyên gia Nhật Bản đã được đưa về Bắc Giang.  Chuyên gia Nhật sẽ phải thực hiện cách ly tại một khách sạn ở tỉnh Bắc Giang theo quy định phòng chống dịch Covid-19 trước khi chính thức làm việc tại hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang. Các chuyên gia Nhật Bản sẽ trực tiếp kiểm tra 3 cơ sở xử lý vải thiều XK và quyết định vải thiều Việt Nam có đủ tiêu chuẩn XK vào thị trường này hay không.

Như vậy, với thời gian cách ly 14 ngày, khả năng những lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam sẽ XK sang Nhật trong tháng 6 này, chính thức chinh phục thị trường vào loại khắt khe nhất thế giới.

Trước đó, ngày 3/6, Cục BVTV, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ Công Thương thông tin về việc XK vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo Công văn này, từ năm 2017, Cục BVTV đã phối hợp với Cơ quan kiểm dịch thực vật của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thực hiện nhiều thí nghiệm về xử lý bằng biện pháp xông hơi khử trùng để làm cơ sở cho các phiên thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật. Đến ngày 15/12/2019, MAFF đã đồng ý với điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo kế hoạch, phía Nhật Bản dự kiến sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam vào giữa tháng 4/2020 để kiểm tra các cơ sở xử lý và trực tiếp giám sát công tác kiểm dịch cũng như xử lý từng lô vải XK. Nhưng do dịch Covid-19, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho Cục BVTV kiểm tra kỹ thuật và đăng ký cho 3 cơ sở xử lý. Cục BVTV đã tiến hành kiểm tra, hoàn thành đăng ký 3 cơ sở xử lý và đã gửi báo cáo kỹ thuật cũng như kết quả kiểm tra cho Nhật Bản vào ngày 24/4 vừa qua.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra và đăng ký cơ sở xử lý và tháo gỡ khó khăn XK vải thiều tươi, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và có đề xuất “tạm thời ủy quyền cho các đơn vị giám sát độc lập”.

Tuy nhiên, Cục BVTV khẳng định, đây là đề xuất hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật của Việt Nam về kiểm dịch thực vật. Cục BVTV cho rằng, việc cung cấp thông tin này cho một số cơ quan truyền thông đã gây ra hiểu lầm cho các bên liên quan cũng như không phù hợp với tiến độ đàm phán.

 Thanh Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vai-thieu-viet-nam-du-kien-sang-nhat-trong-thang-6-nay-d126281.html