Trong một bài viết mới công bố trên FT, cây bút bình luận Gideon Rachman đã tìm cách lí giải con đường dẫn đến cuộc chiến thương mại nóng bỏng như hiện nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ảnh: Asia Times
Theo ông Rachman, dòng thông điệp hồ hởi của Tổng thống Trump hồi tháng Ba năm ngoái, vốn khẳng định "chiến tranh thương mại thì tốt và dễ chiến thắng", có thể đi vào lịch sử như một phát biểu về khía cạnh kinh tế tương đương dự đoán ở Anh vào tháng 8/1914 về Thế chiến thứ nhất, rằng "tất cả sẽ kết thúc vào dịp Giáng sinh".
Các biện pháp đánh thuế ban đầu của Tổng thống Mỹ nhắm vào lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, trị giá 50 tỉ USD hồi tháng Sáu vừa qua, đã không mang lại thắng lợi nhanh chóng. Thay vào đó, chúng vấp phải đòn trả đũa từ phía Bắc Kinh. Hiện tại, ông Trump đang chuẩn bị áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá thêm 200 tỉ USD nữa. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ có động thái "ăn miếng trả miếng" tiếp theo đó.
Ông Rachman tin, thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng giữa Mỹ - Trung Quốc. Và cuộc chiến này khó có khả năng chấm dứt nhanh chóng.
Cho đến hiện tại, các thị trường tỏ ra bình thản kỳ lạ trước tất cả những diễn biến trên. Có lẽ, họ đều cho rằng, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt thỏa thuận vào phút chót? Song, quan điểm này bị coi là quá lạc quan. Thực tế, có nhiều lí do chính trị, kinh tế và chiến lược đang đẩy hai bên đến sự đối đầu kéo dài.
Nếu cả hai bên xúc tiến các đe dọa, chúng sẽ sớm tác động đến hơn một nửa thương mại song phương. Trong đó, lãnh đạo Nhà Trắng thậm chí còn dọa sẽ thực hiện thêm các biện pháp tăng thuế sau đó, gần như đánh vào mọi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Các công ty lớn nhất của Mỹ cũng như những sản phẩm thế mạnh của nước này đã rơi vào "tầm ngắm" của Trung Quốc. Tuần trước, Apple từng cảnh báo, giá các sản phẩm của hãng sẽ tăng cao nếu đợt áp thuế đề xuất tiếp theo được triển khai. Song, ông Trump hồi đáp bằng đề nghị Apple tái chuyển các hoạt động sản xuất về Mỹ. Washington cũng tuyên bố trợ cấp cho người nông dân Mỹ, những đối tượng bị ảnh hưởng vì việc Trung Quốc tăng thuế đánh vào đậu tượng, đồng thời kêu gọi lòng yêu nước của họ.
Vì các lí do chính trị, cả ông Trump và ông Tập sẽ cảm thấy rất khó để thoái lui khỏi cuộc chiến hiện tại.
Hiện cũng có lí do để nghi ngờ việc chính quyền Tổng thống Trump sẽ miễn cưỡng chấp nhận các nhượng bộ nhỏ, chẳng hạn như các cam kết của người Trung Quốc nhằm mua nhiều hàng hóa xuất xứ Mỹ hơn hoặc thay đổi các quy định về liên doanh. Những thành phần cốt cán theo chủ nghĩa bảo hộ trong chính quyền ông Trump, đặc biệt là Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn chính sách về thương mại - sản xuất Peter Navarro từ lâu đã coi Trung Quốc là trung tâm mọi rắc rối thương mại của Mỹ.
Những người lạc quan sẽ viện dẫn thực tế rằng, ông Trump từng rút lui, có thể tạm thời, trước những đe dọa thương mại trực tiếp nhắm vào Mexico và Liên minh châu Âu (EU). Người Mexico đã hứa sẽ tái cấu trúc các chuỗi cung ứng xe hơi, trong khi EU cam kết mua thêm nhiều đậu tương và khí đốt của Mỹ cũng như bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận tự do thương mại.
Tuy nhiên, các phàn nàn của Mỹ về Trung Quốc có tác động lớn hơn nhiều so với những quan ngại về EU và Mexico. Chúng không chỉ liên quan đến những ngành công nghiệp nhất định được bảo hộ mà còn toàn bộ cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc.
Đặc biệt, Mỹ phản đối cách Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng chính sách công nghiệp để tạo ra những "nhà vô địch quốc gia" trong các ngành công nghiệp của tương lai, chẳng hạn như xe tự hành hoặc trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên, những kiểu thay đổi Mỹ muốn nhìn thấy trong chương trình "Made in China 2025" của Bắc Kinh sẽ đòi hỏi các đổi thay lớn lao trong mối quan hệ giữa Nhà nước Trung Quốc với ngành công nghiệp.
Xét từ góc nhìn của Bắc Kinh, có vẻ như Washington đang cố gắng ngăn cản Trung Quốc tiến bước vào các ngành công nghiệp của tương lai nhằm đảm bảo việc Mỹ tiếp tục thống trị các lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhiều nhất của nền kinh tế toàn cầu cũng như các công nghệ có nhiều ý nghĩa chiến lược nhất. Không chính phủ nào của Trung Quốc có thể chấp nhận việc giới hạn các tham vọng của nước này theo cách đó.
Sự cạnh tranh về các công nghệ tương lai cũng làm nổi bật thực tế rằng, có một khía cạnh chiến lược trong sự đối đầu thương mại này, điều hoàn toàn không xuất hiện trong các cuộc đối đầu giữa chính quyền Trump với Mexico, Canada hay EU.
Trung Quốc được tin là đối thủ duy nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh giành sức mạnh thống trị thế kỷ 21. Vì vậy, dù các biện pháp áp thuế mới của Tổng thống Trump phản ánh quan điểm cá nhân thất thường của ông, đặc biệt là sự bảo hộ, nhưng chúng cũng là một phần của sự thay đổi nhận thức rộng hơn bên trong Mỹ.
Ngoài chính quyền ông Trump, đông đảo các thành phần thể chế Mỹ đều quay lưng với quan điểm cho rằng, sự gắn kết về kinh tế là cách tốt nhất đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Thay vào đó, sự ủng hộ đối đầu đang tăng lên. Cũng như ông Trump, các chính trị gia hàng đầu của đảng Dân chủ đã lớn tiếng kêu gọi tăng thuế và trừng phạt thương mại Trung Quốc.
Các nguy cơ đối đầu thương mại Mỹ - Trung càng được khuếch đại trước thực tế rằng, cả hai dường như tin họ rốt cuộc sẽ chiếm ưu thế. Người Mỹ nghĩ, vì Trung Quốc đang hưởng thụ thặng dư thương mại lớn trước Mỹ nên Trung Quốc chắc chắn sẽ bị tổn hại trước tiên và nhiều nhất. Trong khi đó, người Trung Quốc nhận thức được sự náo loạn chính trị ở Washington và sự nhạy cảm của cử tri Mỹ trước tình hình giá cả leo thang.
Cả hai bên đang chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm sức mạnh. Và điều đó khó có khả năng kết thúc vào dịp Giáng sinh.
Theo Vietnamnet/KD&PL