Xuất khẩu 6 tháng cuối năm: “Giải phóng” nhiều đơn hàng ký trước dịch Covid

23/07/2020 16:58

Kinhte&Xahoi Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều trông đợi vào tình hình khả quan ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống trong 6 tháng cuối năm để tái khởi động sản xuất các đơn hàng đã ký trước khi có dịch Covid-19.

Kim ngạch XK giày dép các loại 6 tháng đầu năm giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước

Thiếu hụt nguyên liệu, mất đơn hàng…

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp thương mại 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương, sản xuất dệt 6 tháng đầu năm tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 11,5%); Sản xuất trang phục trong tháng 6 đã tăng 17,5% so với tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đại diện Bộ Công Thương nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu (XK) của ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Cùng với đó, đơn hàng XK giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán. 

Cụ thể, lượng đơn hàng bị hủy, hoãn chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6. Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam ước tính, ngành này có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%, càng khiến doanh thu của DN dệt may giảm thấp hơn. 

Hiện, các DN dệt may đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh để vượt qua thời kỳ khó khăn. Ví dụ, khi bị hoãn hủy đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... đồng thời sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và XK. 

Cũng giống như ngành Dệt may, ngành sản xuất, XK giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch XK giày dép các loại 6 tháng đầu năm giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Các DN sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía, bao gồm thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và XK bị gián đoạn tại các thị trường XK chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Điều này khiến cho kim ngạch XK 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ. 

Tương tự, ngành Gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không XK được. Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, châu Âu chiếm 8% (các thị trường lớn còn lại: Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%) tổng kim ngạch XK gỗ của Việt Nam năm 2019. 

Khó khăn của ngành Gỗ cũng bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn đến việc giãn, hoãn giao hàng tại các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Nhiều đơn hàng XK bị trì hoãn giao hàng do chính sách đóng cửa biên giới và tạm ngưng các hoạt động kinh doanh - thương mại (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu). Do đó, nhiều DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng XK mới giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 2,7% (trong khi cùng kỳ tăng đến 15,1%). 

Hy vọng 6 tháng cuối năm

Hầu hết DN XK đều trông đợi vào tình hình khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm khi kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường XK truyền thống của các ngành được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các DN cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng XK từ các nước thành viên. Kim ngạch XK một số ngành hàng dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.

Theo đại diện Bộ Công Thương, đến cuối quý II/2020, các thị trường XK chính của ngành Dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều DN đã bắt đầu XK được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch XK dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, Tết, Giáng sinh tăng cao.

Tương tự, trước những thành công đạt được từ công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, cộng thêm các cam kết cắt giảm thuế quan ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu sắp có hiệu lực, ngành Da giày sẽ có đòn bẩy quan trọng để thu hút đơn hàng XK giày dép từ thị trường châu Âu. Dự báo kim ngạch XK giày dép trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại. 

“Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam, chúng ta đã có khoảng thời gian hồi phục nhất định đối với sản xuất. Do đó, điều mà các DN phải làm ngay lúc này là cần nắm bắt cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và XK ngay khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tại các thị trường XK chính” – đại diện Bộ Công Thương lưu ý.

Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/xuat-khau-6-thang-cuoi-nam-giai-phong-nhieu-don-hang-ky-truoc-dich-covid-d130091.html