Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội (Củ Chi) đã nỗ lực cập nhật xu thế, thay đổi cách làm và được thị trường đón nhận. (Ảnh tư liệu)
Làng nghề truyền thống - giá trị và thách thức
Người Việt tự hào có những làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, vang danh đến tận xứ người. Từ những làng nghề truyền thống ấy, những nghệ nhân dân gian đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang giá trị văn hóa cao. Có thể kể đến những làng nghề có từ xa xưa và còn bền vững đến ngày nay như làng gốm Bát Tràng, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng lụa Hà Đông, làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng thúng chai Phú Yên, làng cói Kim Sơn, làng gốm Chu Đậu, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ ...
Trong từng làng nghề, từng nghề thủ công truyền thống, chúng ta có thể tìm thấy những biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt. Như làng Đông Hồ nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ, mang trong mình những hình ảnh và thông điệp về tình yêu, gia đình, ca dao tục ngữ và truyền thống tín ngưỡng dân gian. Trong làng nghề chế tác gốm Bát Tràng, những chiếc bát, chén, ấm trà được tạo ra không chỉ là những sản phẩm vật chất mà còn là biểu tượng của sự tinh tế, văn minh và truyền thống nghề gốm của Việt Nam.
Các làng nghề truyền thống còn gắn kết mạnh mẽ với những phong tục, lễ hội và nghi lễ truyền thống của dân tộc. Thông qua quá trình sản xuất và truyền đạt kỹ thuật, người làm nghề đã truyền bá và duy trì các giá trị văn hóa sâu sắc của Việt Nam qua các thế hệ. Chẳng hạn, trong làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp, người làm nghề còn truyền lại những câu chuyện, hình ảnh và ý nghĩa văn hóa trong từng sợi lụa mềm mại.
Tuy nhiên, theo năm tháng, hiện trạng đáng buồn là các làng nghề truyền thống ngày càng mai một đi dần. Tại rất nhiều làng nghề cổ truyền trên cả nước, thời hoàng kim đã đi qua, chỉ còn lại là “chiếc bóng” của những ngày vàng son. Thậm chí, nhiều làng nghề vài trăm năm cũng đã bị “mất tích” trong cát bụi thời gian.
Có thể kế đến làng ươm tơ ở thôn Hà Tràng, xã Thăng Long (Kinh Môn, Hải Dương). Có một thời, làng từng rất nhộn nhịp, thương lái đến từ khắp nơi, cả làng có đời sống ấm no, khấm khá. Nhưng giờ đây, đỏ mắt cũng khó kiếm được người nuôi tằm, ươm tơ ở thôn Hà Tràng nữa. Cái nghề truyền thống từng được duy trì qua nhiều thế hệ đã dần lụi tàn nơi đây.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với nhiều làng nghề ở Bắc Ninh, mảnh đất “trăm nghề”. Hàng loạt sản phẩm của các làng nghề ở Bắc Ninh bị các sản phẩm công nghiệp thay thế, cạnh tranh như đồ nhựa thay thế đồ mây tre đan, đồ gốm, đồ đồng… Rồi có những cái nghề mà giờ đây không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại nữa, như nghề làm cày bừa, nghề đồ gỗ sơn son thếp vàng...
TP HCM, vùng đất hiện đại, phát triển bậc nhất đất nước cũng đã từng có 64 làng nghề truyền thống một thời hưng thịnh, trong đó có những làng nghề hàng trăm năm tuổi, tồn tại qua chiến tranh, làm giàu cho người dân, nhưng đến nay đã suy tàn không ít. Có thể kể đến làng nghề làm chổi bông cỏ, chổi lông gà đường Phạm Văn Chí (quận 6), nghề đan lát, làng dệt chiếu Bình An (quận 8), hay làng nem Thủ Đức danh tiếng...
Để làng nghề truyền thống “trở mình”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một, biến mất của làng nghề, mà theo các chuyên gia xã hội học phân tích, chung quy lại có một số nguyên nhân cốt lõi. Trước tiên phải kể đến sự mất cân đối giữa cung và cầu trong hoạt động làng nghề. Với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn. Các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài hoặc các mô hình kinh doanh công nghiệp lớn khác cũng đang tạo ra sức ép cạnh tranh lên làng nghề truyền thống. Thiếu nguồn lực và công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm, làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu hoặc công nghiệp.
Sản phẩm gốm Bát Tràng. (Ảnh TCCT)
Cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần. Các làng nghề truyền thống thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã có sự chú trọng, đầu tư đúng mức để gìn giữ, phát huy làng nghề truyền thống. Theo đó, tại Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm, có đội ngũ thợ thủ công, nghệ nhân lành nghề, tài năng. Để bảo tồn làng nghề, Huế đã có sáng kiến tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế vừa giúp thu hút du lịch, vừa giới thiệu được các làng nghề truyền thống Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế, giúp các làng nghề có chỗ đứng, có “đầu ra”. Từ khi Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 đến nay, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã được “hồi sinh”, đặc biệt là các nghề gắn với du lịch, như nghề chế tác nhà rường, may đo áo dài truyền thống, thêu tranh, pháp lam, hoa giấy, trúc chỉ… .
Hiện nay, TP HCM có khoảng 65 làng nghề, ngành nghề nông thôn tập trung vào 7 nhóm lĩnh vực, trong đó có những ngành nghề thuộc dạng ngành truyền thống lâu đời của thành phố. Tháng 6/2022, TP HCM đã ban hành Quyết định 1784, kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Tập trung vừa phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn theo xu thế hội nhập vừa bảo tồn được giá trị, bản sắc của làng nghề. Đáng nói, nhiều làng nghề ở TP HCM nắm bắt thời cuộc, cập nhật xu hướng khá tốt. Có những làng nghề đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, tự “nâng cấp” để nhập cuộc, thành công ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Có thể kể đến làng mành trúc Tân Thông Hội (Củ Chi) từ những sản phẩm mang tính truyền thống với họa tiết quen mắt bao năm, nhờ nắm bắt thị hiếu đã đổi thay từ cách pha màu sơn, hình ảnh cho đến khảm thêm xà cừ, trai ốc… tạo nên những sản phẩm mang nét đẹp cổ truyền nhưng cũng rất mới mẻ, thu hút, được thị trường ưa chuộng.
Trả lời báo chí, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM) cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục cùng các huyện đang từng bước tháo gỡ những khó khăn nhằm “tiếp sức” cho các làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống. Theo bà Mai, TP đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ các làng nghề, ngành nghề nông thôn phát triển theo hướng kinh tế tập thể, hợp tác xã, các tổ hợp tác; triển khai giải pháp ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ dân đang sản xuất tại làng nghề. TP cũng tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân ở làng nghề.
Có thể thấy, các làng nghề truyền thống không chỉ đóng góp vào mặt kinh tế mà còn là những kho tàng văn hóa phong phú. Gìn giữ và bảo tồn làng nghề truyền thống là trách nhiệm quan trọng của mỗi người và của cả xã hội, nhằm bảo đảm rằng di sản văn hóa quý giá này không bị mai một và tiếp tục trường tồn, đem những tinh hoa của cha ông gửi gắm cho thế hệ mai sau.
Những năm qua, ý thức được giá trị của các làng nghề truyền thống trong bức tranh văn hóa Việt, Chính phủ đã ban hành “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của Chương trình nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.
|
Ngọc Mai - Pháp luật Plus