EU đã định ra thời hạn cuối cùng cho Brexit là ngày 31/10 tới, tức là chậm nhất cho đến thời điểm ấy, nước Anh sẽ chính thức ra khỏi EU bất kể từ nay đến đó giữa hai bên có đạt được hay không đạt được với nhau thoả thuận về xử lý tất cả các vấn đề và khía cạnh liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU.
Về lý thuyết, EU có thể gia hạn thêm thời gian xử lý Brexit như đã từng 2 lần gia hạn trước đó, nhưng không phải vô điều kiện mà có điều kiện. Vấn đề mắc mớ ở chỗ phía Anh không sẵn sàng chấp nhận những điều kiện của EU và tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố với bên ngoài cũng như cam kết với người dân trên đảo quốc là dứt khoát sẽ đưa nước Anh ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/10 tới, bất kể với hay không với thoả thuận liên quan giữa chính phủ Anh và EU.
Cho nên hiện có thể nói được là câu chuyện Brexit đang dần đến hồi kết. Giữa EU và Chính phủ tiền nhiệm tại Anh vốn đã đạt được thoả thuận về Brexit sau 18 tháng đàm phán. Nhưng quốc hội Anh không phê chuẩn thỏa thuận ấy. Thủ tướng Anh Theresa May phải từ chức và vì thế ông Johnson mới được Đảng Bảo thủ bầu làm chủ tịch đảng và làm Thủ tướng mới của Anh.
Người này chống đối thoả thuận giữa EU và người tiền nhiệm nên bây giờ theo đuổi mục tiêu là tìm kiếm thoả thuận mới với EU về Brexit trong thời gian từ nay cho tới ngày 31/10/2019 hoặc Brexit vào ngày 31/10 ấy mà không đạt được thoả thuận nào với EU.
Ông Johnson đưa ra đề nghị đàm phán lại nhưng EU không đồng ý bởi ông Johnson không đưa ra được nội dung cụ thể nước Anh muốn gì, tức là chỉ nhằm tiến hành đàm phán chứ không xác định được cụ thể mục đích đàm phán. Hơn nữa, ông Johnson bác bỏ một thoả thuận giữa EU và chính phủ trước ở Anh trong khi EU lại kiên quyết đòi phải bảo tồn thoả thuận này.
Thoả thuận ấy được gọi tắt là Backstop. Nội dung cụ thể là nước Anh tuy ra khỏi EU nhưng vẫn tham gia thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan của EU cho tới khi giữa hai bên đạt được thoả thuận về tự do thông thương con người và hàng hoá ở ranh giới giữa Ireland (là thành viên EU) và Bắc Ireland (do Anh quản lý).
Cái hiểm đối với phía Anh ở đây là chừng nào còn tham gia thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan của EU thì chừng đó phía Anh không được ký kết thoả thuận về mậu dịch tự do với các đối tác khác trên thế giới. Phía Anh coi đó là nguy cơ bị lệ thuộc vô thời hạn vào EU, trở thành một kiểu “con tin”.
Phía EU cần sự đảm bảo thông thương này vì đấy lại là một trong những điều kiện và nội dung chính của thoả thuận hoà bình cho Bắc Ireland. Cho nên có thể thấy được triển vọng là EU không chấp nhận đề nghị đàm phán mới của ông Johnson. Đưa ra đề nghị này trong khi biết trước là EU sẽ không đồng ý, ông Johnson chủ ý gây áp lực để tập trung vào đối nội.
Mưu tính của người này là cùng lắm thì cũng chỉ là kịch bản Brexit không có bất cứ thoả thuận nào giữa EU và Chính phủ Anh, nhưng nếu có được thoả thuận mới giữa hai bên thì lại càng có lợi cho nước Anh và cá nhân ông Johnson. Ông Johnson đặt quốc hội Anh trước sự lựa chọn là chấp nhận Brexit không có thoả thuận nào hay tổng tuyển cử mới mà trong mọi trường hợp đều chỉ có lợi cho cá nhân mình chứ không bị tổn hại gì.
Xảy ra kịch bản Brexit không đạt được thoả thuận nào với EU thì ông Johnson có thể chứng tỏ với cử tri Anh là kiên định quan điểm Brexit bằng mọi giá và thực hiện cam kết là giải quyết dứt điểm chuyện Brexit cho tới ngày 31/10 này.
Nếu đạt được thoả thuận mới với EU thì uy danh và mức độ tín nhiệm của người này trên đảo quốc sẽ càng tăng thêm, như thế sẽ rất thuận lợi và hữu ích cho ông Johnson trong việc củng cố nền tảng và vị thế quyền lực ở Anh, củng cố cơ may thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội tới trên đảo quốc này.