Đào tạo nghề song song với phòng, chống dịch Covid-19

02/03/2020 14:48

Kinhte&Xahoi Sau thời gian học sinh, sinh viên cả nước tạm nghỉ học để phòng dịch Covid-19, hơn 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẵn sàng đón hơn 150.000 học sinh, sinh viên trở lại trường học vào ngày 2-3 tới.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người học, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội yêu cầu các nhà trường tổ chức đào tạo nghề song song với phòng, chống dịch Covid-19.

Đo thân nhiệt cho sinh viên ở ký túc xá của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội.

Tuân thủ nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch

Đến Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, cơ sở này thực hiện bài bản các biện pháp phòng, chống dịch. Cán bộ y tế của nhà trường đo thân nhiệt cho tất cả mọi người trước khi bước vào trường để kịp thời phát hiện những người có vấn đề về sức khỏe. Dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, xà phòng được bố trí ở nhiều nơi như cổng trường, khu nhà hiệu bộ, hành lang, nhà vệ sinh... 100% cán bộ, giáo viên đến trường đeo khẩu trang y tế.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết, nhà trường đã liên hệ với 1.500 sinh viên và gia đình, đa số cư trú ở các tỉnh, thành phố khác, để tuyên truyền, khảo sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, đến nay, nhà trường không có cán bộ, giáo viên, sinh viên nào nghi nhiễm Covid-19.

Tuy vậy, nhà trường vẫn tuân thủ các giải pháp phòng, chống dịch; sàng lọc, khoanh vùng những trường hợp có nguy cơ cao để theo dõi, giám sát; xây dựng chương trình giảng dạy riêng với những sinh viên chưa thể trở lại trường.

Đoàn kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội.

Với Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nhà trường đã lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng giáo viên, học sinh, sinh viên và tiến hành theo dõi từng người trong suốt thời gian tạm nghỉ học vừa qua.

Em Nguyễn Văn Thái, trú tại xã Phú Kim (huyện Thạch Thất), sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho hay: "Với sự chủ động phòng, chống dịch bệnh từ nhiều phía, em tin chúng em sẽ được học tập trong môi trường an toàn".

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong khoảng thời gian tạm nghỉ học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tiến hành ít nhất 4 đợt tổng vệ sinh, phun khử trùng, diệt khuẩn toàn bộ không gian trường, lớp, xưởng thực hành. Hai ngày cuối tuần này, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục vệ sinh, phun khử khuẩn trước khi đón sinh viên trở lại trường. Ngoài ra, các nhà trường đều lập sổ theo dõi sức khỏe cho giáo viên, sinh viên và tiến hành theo dõi từng người trong suốt thời gian tạm nghỉ học cho đến khi công bố hết dịch Covid-19, bảo đảm sự an toàn cao nhất cho mỗi người và cả cộng đồng.

Chủ động khắc phục khó khăn

Mặc dù các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn sẵn sàng tổ chức dạy - học trở lại, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt, việc tổ chức đào đạo nghề được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo ông Phạm Trường Sinh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là vừa học trên lớp, vừa thực hành tại xưởng, nhà máy, nên việc giữ gìn vệ sinh môi trường học tập cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, tiêu tốn nhiều dung dịch diệt khuẩn, chất tẩy rửa vệ sinh, thiết bị y tế. Do đó, nếu dịch Covid -19 kéo dài, nhà trường khó có thể trang bị đủ vật tư, trang thiết bị hỗ trợ phòng, chống dịch. Hơn nữa, sau giờ học tại trường, học sinh, sinh viên các trường nghề đi đến đâu, gặp những ai, làm việc gì, có nguy cơ nhiễm dịch Covid-19 hay không... thì các nhà trường không thể kiểm soát hết được, đặc biệt là với sinh viên ở ngoài ký túc xá.

Còn ông Nguyễn Công Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, việc tổ chức chương trình giảng dạy; duy trì nếp sinh hoạt cho học sinh, sinh viên như thế nào cho phù hợp trong giai đoạn còn dịch Covid-19 là điều băn khoăn, trăn trở của nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tối 28-2, Sở đã có Công văn gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố chú trọng bảo đảm chất lượng đào tạo nghề song song với việc bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên. Theo đó, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi hết dịch. 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố duy trì việc vệ sinh môi trường học tập hằng ngày.

Nhằm chủ động khắc phục những khó khăn, trước mắt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế. Các trường cần tuyên truyền để học sinh, sinh viên nâng cao ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng... Việc tiến hành vệ sinh trường, lớp phải được thực hiện hằng ngày, hằng giờ, sau mỗi tiết học. Chương trình, kế hoạch đào tạo cần linh hoạt, nên tổ chức cho sinh viên ra chơi chéo giờ; học thực hành tại xưởng theo ca, theo nhóm, tránh tập trung đông người...

Với nhóm học sinh, sinh viên cư trú hoặc đi qua vùng có dịch, Sở yêu cầu, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạm thời chưa đón học sinh trở lại. Khi trở lại, các nhà trường bố trí giảng dạy cho học sinh theo kịp chương trình, bảo đảm chất lượng.

"Không có cách nào phòng, chống Covid-19 tốt hơn là mỗi người, mỗi giáo viên, học sinh, sinh viên tự trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng, có ý thức chủ động phòng, chống dịch", bà Nguyễn Thanh Nhàn nói.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giật mình giá nhà ở xã hội gần 20 triệu đồng/m2

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức giá 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì). Mức giá cao nhất các nhà ở xã hội và cao hơn cả nhà thương mại nhiều khu vực.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/959755/dao-tao-nghe-song-song-voi-phong-chong-dich-covid-19