Doanh nghiệp thâu tóm đất phố cổ với giá bèo, Công ty Đông Á là ai?

02/07/2019 10:22

Kinhte&Xahoi Các cơ sở nhà, đất mặt phố ở Thủ đô được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á với mức giá thấp hơn nhiều lần so với thị trường.

Video: Nỗi lo thất thoát tài sản nhà nước khi chuyển nhượng các cơ sở nhà đất công

Thời gian gần đây dư luận đang nóng lên bởi hàng loạt trường hợp vi phạm các quy định về quản lý đất đai bị phanh phui. Có thể kể đến vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng và TP HCM liên quan đến "Vũ nhôm" đã dóng lên hồi chuông cảnh báo việc quản lý đất công còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch dẫn đến khi thanh lý đất đai sẽ gây thất thoát cho Nhà nước.

Điều đáng nói, đa số các nhà đất công trong vụ án kể trên đều được chuyển nhượng không qua đấu giá, dẫn đến việc xác định giá và hệ số sinh lợi không chính xác ở các khu đất này có biểu hiện làm lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau khi mua nhà đất công đã không sử dụng theo mục đích xin mua bán đầu mà đem bán để hưởng giá trị chênh lệch.

Doanh nghiệp thâu tóm đất phố cổ với giá bèo

Cơ sở nhà đất tại 46 Hàng Trống (diện tích nhà, đất là 20,28m2) được chuyển nhượng lại cho Công ty Đông Á với tổng giá trị là 1,731 tỷ đồng.

Vào năm 2015, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á đã làm văn bản đề nghị TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cùng lúc 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước tại 3 các vị trí sau: 

Cơ sở nhà đất mặt phố số 56 Hàng Gai phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); cơ sở nhà, đất mặt phố (tầng 1) số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) và tầng 1 mặt phố số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình).

Được biết, đây là 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước do các đơn vị của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý và cho thuê.

Theo tài liệu mà PV Pháp luật Plus thu thập được, ngày 05/6/2014, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á đã được ký hai hợp đồng cho thuê nhà, đất mặt phố số 56 Hàng Gai và số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm).

Khoảng 1 tháng sau, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á tiếp tục được ký hợp đồng cho thuê nhà, đất số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình).

Đáng chú ý, cho dù UBND TP Hà Nội chưa ban hành quyết định bán nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho công ty Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á tại 3 cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước tại số 56 Hàng Gai và số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) và số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình) nhưng Công ty này đã được nộp tiền trước vào ngân sách giá trị chuyển nhượng cơ sở nhà, đất tại 3 cơ sở nêu trên.

Cụ thể, ngày 20/1/2015, Chi cục Quản lý Công sản - Sở Tài chính đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á để hướng dẫn nộp ngân sách giá trị chuyển nhượng công trình trên đất và giá trị quyền sử dụng đất 3 cơ sở nhà, đất này.

Sau đó, Sở Xây dựng báo cáo Thành phố về việc doanh nghiệp này đã nộp đủ tiền vào ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của Chi cục Quản lý Công sản.

Cơ sở nhà đất mặt phố số 56 Hàng Gai phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) có diện tích là 18,03m2 với tổng giá trị là 1,616 tỷ đồng.

Cũng theo văn bản của Sở Tài chính Hà Nội thì, giá trị chuyển nhượng công trình trên đất và giá trị quyền sử dụng đất 3 cơ sở nhà, đất này được liên ngành xác định như sau:

Cơ sở nhà đất mặt phố số 56 Hàng Gai phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) có diện tích là 18,03m2 với tổng giá trị là 1,616 tỷ đồng (khoảng 89 triệu đồng/m2).

Cơ sở nhà, đất mặt phố số 46 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) có diện tích là 20,28m2 với tổng giá trị là 1,731 tỷ đồng (khoảng 85 triệu đồng/m2).

Cơ sở nhà, đất mặt phố số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình) có diện tích là 10,2m2 với tổng giá trị là 507 triệu đồng (khoảng 50 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, theo khảo sát thực tế của PV giá đất tại các khu vực nói trên lại có giá trị giao dịch thực tế cao hơn nhiều lần so với mức giá Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á phải nộp vào ngân sách khi chuyển nhượng.

Cụ thể, tại cơ sở nhà đất số 56 Hàng Gai, phường Hàng Gai, mỗi m2 nhà mặt phố mà doanh nghiệp này phải trả có giá khoảng 88 triệu đồng. Trong khi cùng thời điểm năm 2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá cơ sở nhà đất tại số 4 Hàng Gai nằm cách đó không xa (Cùng dãy nhà với số 56 Hàng Gai) đã có mức giá khởi điểm ban đầu lên tới khoảng 200 triệu đồng/m2.

Còn theo kháo sát giá thực tế tại khu vực phố Hàng Gai, hầu hết các cơ sở nhà đất có mặt tiền tại đây được rao bán với mức giá cao ngất ngưởng, dao động ở mức từ 400 - 500 triệu đồng/m2. Thậm chí đối với các căn nhà sở hữu vị trí đẹp, mặt tiền rộng thì còn được rao bán với mức giá cao hơn thế nhiều lần.

Tương tự như vậy tại phố Hàng Trống, giá đất thực tế tại đây cũng giá đất với các cơ sở nhà đất có mặt tiền tại đây cũng dao động từ 300 -  400 triệu đồng cho mỗi m2 nhà.

Còn theo khảo sát một số cơ sở nhà, đất có vị trí lân cận với số 7 Đội Cấn, giá đất ở đây không hề rẻ. Rất nhiều quảng cáo, rao bán nhà tại khu vực kể trên đều đưa ra cái giá không dưới 200 triệu đồng cho mỗi m2 nhà. 

Như vậy, trên một tuyến phố, 3 cơ sở nhà, đất mặt tiền dù nằm ở vị trí cùng 1 dãy nhà, nhưng lại có giá trị chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi m2.

Có thể thấy số tiền chuyển nhượng mà Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á phải nộp vào ngân sách cũng được dư luận cho là thấp hơn nhiều lần so với giá khởi điểm đấu giá nhà đất so cùng vị trí, cũng như giá trị thực được giao dịch trên thị trường cùng thời điểm là hoàn toàn có cơ sở.

Tầng 1 mặt phố số 7 Đội Cấn (quận Ba Đình) có diện tích là 10,2m2 với tổng giá trị là 507 triệu đồng

Vì sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy trong việc xác định giá trị chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á được thuê mua 3 cở sở nhà, đất nằm ở mặt phố các vị trí đắc địa trung tâm phố cổ Hà Nội nêu trên?

Ngày 29/5/2019. Báo Tiền phong có đăng tải bài viết "Hà Nội lý giải việc chuyển nhượng nhà, đất trung tâm phố cổ".

Trong bài viết này, Báo Tiền phong cho biết: "Liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất, đất ở trung tâm phố cổ, trong văn bản trả lời báo Tiền phong mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, 3 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 56 phố Hàng Gai, 46 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm và số 7 phố Đội Cấn, quận Ba Đình đã được UBND TP chấp thuận bán cho đơn vị đang thuê nhà là Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Đông Á theo nguyên tắc giá bán nhà và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất sát giá thị trường, với thời hạn cho thuê đất là 50 năm để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh".

Cần thanh tra, thẩm định lại quy trình chuyển nhượng

Trao đổi với PV Pháp luật Plus, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: "Cần phải tính toán đến khả năng sinh lời, lợi nhuận đem lại từ các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước khi chuyển giao cho doanh nghiệp khai thác sản xuất, kinh doanh, để xác định được giá trị chuyển nhượng tương xứng."

“Về vấn đề phương pháp xác định giá trị chuyển nhượng, chúng ta cần phải có sự so sánh, đối chiếu giữa các cơ sở nhà đất nêu trên với các giao dịch nhà đất khác đã được thực hiện thành công trên thị trường trước đó, tại các khu vực lân cận, có nhiều điểm tương đồng.”

“Nếu như xuất hiện sự chênh lệch quá lớn giữa giá chuyển nhượng và giá các giao dịch khác được thực hiện trên thị trường thì cần phải thanh tra, thẩm định lại lại quy trình chuyển nhượng các cơ sở nhà, đất này đã công khai, minh bạch, đúng giá thị trường hay chưa? Ở đây, phải có sự kiểm tra, giám sát sâu sát của các cơ quan có thẩm quyền để tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước.”- Ông Nguyễn Văn Đính cho biết.

Liên quan đến việc chuyển nhượng cơ sở nhà đất, có dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước ở khu vực trung tâm nội đô nêu trên, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho cho biết:

“Giá trị của các cơ sở nhà đất trong những trường hợp nêu trên phải được tính theo giá thực tế thị trường. Đó không chỉ đơn thuần là giá trị của cơ sở nhà, đất mà còn là giá trị đem lại của mảnh đất có mặt tiền tại vị trí trung tâm Thủ đô.”

“Tại một số tỉnh, thành phố hiện nay đang xuất hiện hiện tượng các cơ quan có thẩm quyền cố tình “lơ” đi việc đấu giá khi chuyển nhượng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước khi cho rằng không có ai tham gia mua để thực hiện chỉ định đơn vị vào mua. Tính công khai, minh bạch trong một số trường hợp chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã không được đảm bảo” – Ông Trần Ngọc hùng cho biết.

Chúng tôi đang liên hệ với các đơn vị có liên quan và sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả trong những số tiếp theo.

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công thì thì việc bán tài sản công được quy định phải thực hiện công khai theo hình thức đấu giá.

Cũng theo quy định tại Nghị định này thì trong một số trường hợp nhất định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức bán thanh lý tài sản công theo hình thức niêm yết giá hoặc bán thanh lý tài sản công theo hình thức chỉ định.

Đối với các trường hợp bán chỉ định khác cũng cần phải xem xét về đối tượng thuê, mua với các tiêu chí rõ ràng.

Theo đó, tại Điều 31 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định trường hợp cần thiết, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định xem xét, quyết định áp dụng hình thức niêm yết giá. 

 
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Đông Á có địa chỉ chính ở Khu Công nghiệp Phố Nối A, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên).

Ngoài được mua 3 cơ sở nhà đất nêu trên, doanh nghiệp này còn được ký hợp đồng thuê nhà, đất chuyên dùng mặt phố ở số 46 Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) với diện tích khoảng gần 48m2 đất và hơn 68 m2 nhà.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus