EU thúc giục Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

11/07/2019 11:30

Kinhte&Xahoi Các cường quốc châu Âu vừa lên tiếng kêu gọi Iran đảo ngược động thái tăng cường làm giàu uranium. Pháp cũng đã cử phái viên đến Tehran để tăng cường nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Chuẩn Đô đốc Ali Shamkhani của Iran (bên phải) gặp Cố vấn của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne tại Iran

Theo AFP, theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới, còn được gọi là JCPOA, các nước hứa hẹn nới lỏng trừng phạt, đem lại các lợi ích kinh tế và chấm dứt sự cô lập quốc tế với Iran để đổi lấy việc kiềm chế nghiêm ngặt chương trình hạt nhân của Tehran.

Năm 2018, Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này, khiến nền kinh tế Iran gặp khó khăn. Hồi tháng 5 vừa qua, 1 năm sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, cứ sau 60 ngày, Iran sẽ rút lại các cam kết của nước này theo thỏa thuận. 

Đến ngày 8/7, Iran tuyên bố đã bắt đầu làm giàu uranium tới mức 4,5%, phá vỡ giới hạn theo thỏa thuận năm 2015. Trước đó 1 tuần, nước này thừa nhận đã vượt giới hạn 300 kg đối với kho dự trữ uranium làm giàu thấp. Iran nói rằng các động thái của nước này là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Washington đã áp đặt đối với Tehran kể từ khi rút khỏi thỏa thuận một năm trước.

Tehran cũng tuyên bố họ đã mất kiên nhẫn với việc các nước châu Âu không hành động sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc – xác nhận, cho đến gần đây, Iran luôn tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận nhưng đến nay đã vi phạm 2 trong số các thỏa thuận đó. 

Phản hồi các động thái của Iran, Liên minh châu Âu và các Bộ trưởng Ngoại giao của Pháp, Đức và Anh ngày 9/7 đã lên tiếng kêu gọi Tehran đảo ngược những việc vi phạm thỏa thuận và trở lại hoàn toàn tuân thủ JCPOA ngay lập tức. Cùng với đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cử cố vấn ngoại giao hàng đầu của mình là ông Emmanuel Bonne tới Tehran.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, nhiệm vụ của ông Bonnes là “cố gắng và thảo luận một cách cởi mở để tránh sự leo thang không kiểm soát, hoặc thậm chí là một sự cố”. Trong ngày 10/7, ông Emmanuel Bonne có cuộc gặp Chuẩn Đô đốc Ali Shamkhani - Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran và Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif để phục vụ cho các nỗ lực đó. Trước đó, Tổng thống Pháp cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran để tìm hiểu về các điều kiện để nối lại đối thoại giữa tất cả các bên.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Mỹ gần đây đã phái một tàu sân bay, các máy bay ném bom và binh sỹ bổ sung tới Trung Đông để chống lại cái mà nước này cho là các mối đe dọa từ Iran. Hồi tháng trước, ông Trump tuyên bố đã ngừng một cuộc tấn công quân sự nhằm trả đũa vào Iran vào phút cuối sau khi Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.

Các chuyên gia hiện lo ngại rằng một tính toán sai lầm trong cuộc khủng hoảng có thể bùng nổ thành xung đột mở. Hôm 6/7 vừa qua, ông Trump đã lên tiếng cáo buộc Iran đang “làm rất nhiều điều tồi tệ”, đồng thời cảnh báo rằng “Iran nên cẩn thận hơn” nhưng không nói rõ về những hành động mà Mỹ có thể xem xét. 

Chính quyền Mỹ ngày 9/7 cũng đã đưa hai nhà lập pháp Lebanon của Tehran vào danh sách đen trừng phạt nhưng đã không thực hiện đe dọa áp đặt các biện pháp tương tự đối với Ngoại trưởng Iran.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những dự án tại Hà Nội nghe tên là biết sai phạm

Theo UBND TP Hà Nội, 10/21 công trình được chuyển sang cơ quan điều tra, có nhiều dự án do Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Công ty Cổ phần sản xuất – Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư.

Dân Thủ đô 'kêu trời' vì loạt cao ốc đu bám hai bên tuyến phố chỉ rộng gần 10m

Phố Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dù chỉ dài khoảng 700m và rộng chưa tới 10m đang phải "gánh" loạt dự án cao ốc gây nên cảnh quá tải khiến cho người dân ở khu vực này lo lắng và bức xúc do thường xuyên ùn tắc, gây áp lực giao thông lớn. Việc đề xuất mở rộng đường ở đây, được Thành phố cho biết chưa có kế hoạch mà chỉ nghiên cứu triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: Pháp luật Plus