UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 22/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Theo đó, Kế hoạch xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và giao các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện.
Trong đó, mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận số 21-KL/TƯ, Kế hoạch số 58-KH/TU của Thành ủy, kế hoạch hành động ban hành kèm theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ, kế hoạch hành động của UBND thành phố và kế hoạch của các cấp, các ngành trong toàn thể đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong nội bộ, bảo đảm nghiêm túc, thẳng thắn, "tự soi", "tự sửa". Gắn kiểm điểm tự phê bình cá nhân với phê bình tập thể, kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, chạy theo thành tích.
Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, đa chiều và thông qua sản phẩm cụ thể. Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ. Xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành; Rà soát các quy định vướng mắc, bất cập để sửa đổi bổ sung theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhất là tỏng các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực.
Kế hoạch cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực; Xử lý nghiêm cán bộ công chức, viên chức vi phạm. Đồng thời, thối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sátvà phản biện xã hội trong xây dựng chính quyền...
Hạnh Nguyên - TTTĐ