Nhà ống là kiến trúc điển hình ở Hà Nội. Ảnh: Victor Fraile Rodriguez
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, lập kinh thành Thăng Long. Bên cạnh Hoàng cung, nơi vua ở và nơi làm việc của triều đình, còn có khu vực thị dân sinh sống. Những thị dân này không làm ruộng, họ buôn bán, dệt lụa, sản xuất một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho thị dân. Nhưng “phố” Thăng Long khi đó có rất ít cửa hàng, sử ghi chép chỉ có vài ba cửa hàng vàng. Mọi hàng hóa thủ công, nông sản đều bán ở chợ Cầu Đông và chợ Tây Nhai (tương ứng với chợ Ngọc Hà ngày nay). Khi đó, chợ không họp hằng ngày mà bốn, năm ngày mới họp, gọi là chợ phiên.
Diện tích kinh thành từ đời Lý đến đời Lê gần như không thay đổi, bó hẹp trong đê/ lũy bao quanh. Từ thời Lý cho đến thời Trần, đất đai do triều đình quản lý, vua có quyền ban phát cho người thân, cho các quan nên Đại Việt có rất nhiều điền trang. Vua cũng cấp đất ở, đất ruộng cho dân nhưng đất ruộng do làng xã quản lý, họ đại diện cho triều đình thu thuế nông nghiệp. Với thị dân trong thành, họ cũng được cấp đất ở, đất làm xưởng nhưng vì buôn bán và sản xuất nên họ nộp thuế bằng tiền.
Cuối năm 1427, sau khi đánh thắng quân Minh xâm lược, Lê Lợi xưng vương năm 1428, lập ra triều Lê. Một trong những việc làm đầu tiên của triều Lê là xóa bỏ điền trang của tầng lớp quý tộc nhà Trần, chia đất ở và đất ruộng cho dân. Từ đây xuất hiện “tư điền” bên cạnh “công điền”. Vì đất thuộc sở hữu tư nhân nên đã sinh ra buôn bán, chuyển nhượng. Những người khá giả ở kinh thành mua thêm đất để ở hoặc mở rộng cơ sở sản xuất. Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, thế kỷ XV, Thăng Long có phố Việt Đông, nơi sinh sống của người Hoa, họ mở cửa hàng buôn bán vải, lụa tại nhà. Tuy nhiên, dù Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ nhưng việc buôn bán vẫn diễn ra ở các chợ phiên, chưa có nhiều phố buôn bán tập trung.
Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn và chuyển kinh đô vào Huế. Thăng Long lúc này bị hạ cấp xuống Bắc thành, tuy không còn là kinh đô nhưng đô thị này vẫn là trung tâm kinh tế lớn. Nhà Nguyễn vẫn duy trì chính sách tư hữu đất từ thời Lê. Đến triều vua Tự Đức, gần 80% đất ở khu vực phố cổ ngày nay thuộc sở hữu tư nhân. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, việc buôn bán chủ yếu vẫn diễn ra nhộn nhịp ở các chợ phiên. Đến đời vua Thiệu Trị, Hà Nội đã xuất hiện nhiều phố buôn bán một mặt hàng, chợ phiên vẫn còn nhưng không còn chiếm ưu thế thương mại nữa.
Việc ra đời phố buôn bán đã khiến cho giá đất mặt đường tăng cao.
Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Philippe Papin cho rằng, “nhà ống ở Hà Nội là ảnh hưởng của cộng đồng người Hoa”. Thực ra không phải như vậy. Theo thời gian, con cái các gia đình người Việt và người Hoa buôn bán ở phố lớn lên, con gái lấy chồng về nhà chồng nhưng con trai lớn lập gia đình phải có chỗ ở. Nhà khá giả thì mua nhà hay đất chỗ khác, nhà không có điều kiện hoặc làm ăn thất bát thì chỉ còn cách ngăn nhà chia cho con trai. Và con trai sau khi được chia mặt tiền lại buôn bán các mặt hàng theo truyền thống gia đình. Nhà nhiều con trai thì mặt tiền càng hẹp nên đã sinh ra nhà ống. Trong gia phả dòng họ Nguyễn Đình ở phố Hàng Ngang kể rõ chuyện nhà giai đoạn này. Việc xuất hiện nhà ống còn có nguyên nhân khác là nhà Nguyễn đánh thuế buôn bán theo chiều ngang cửa hàng, bất luận buôn bán to hay nhỏ. Vì thế, để giảm thuế, nhiều nhà có mặt tiền rộng đã bán bớt để giảm tiền thuế.
Khi Pháp chiếm Hà Nội, họ cho rằng người sống ở nhà ống chất đầy hàng hóa sẽ thiếu không khí, không đảm bảo sức khỏe. Để có số liệu trước khi ban hành chính sách, đầu năm 1921, tòa đốc lý Hà Nội đã thực hiện cuộc khảo sát 151 nhà ống ở các phố mà ngày nay là Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Cân. Kết quả là 48% có mặt tiền từ 2 - 3m. Tháng 7-1921, một ủy ban gồm các bác sĩ và quan chức tòa thị chính đã thông qua một văn bản mà mục đích là ngăn chặn nhà ống trong thành phố. Họ không quy định mét vuông trên đầu người mà quy định thể tích không khí tối thiểu phải là 25m3/người. Nhà xây cách hàng rào phải tối thiểu là 2m. Năm 1922, chính quyền ban hành lệnh cấm 22 tuyến phố không được phép xây nhà ống. Sau đó họ nâng dần, đến năm 1937, 33 phố không được xây nhà ống, bắt buộc phải xây nhà kiểu biệt thự.
Sau 1954, dân số khu vực phố cổ tăng lên vì nhiều lý do. Có số nhà trước kia chỉ có một hộ giờ tăng lên vài ba hộ. Con cái họ lớn lên lập gia đình nên mặt tiền nhà ống lại tiếp tục bị xẻ, vì thế có nhà mặt tiền hiện chỉ rộng... 1m.
Nguyễn Ngọc Tiến - Hà Nội mới