Với thu nhập trung bình và thời gian tích lũy ngắn ngủi, nhóm lao động trẻ đang phải đối mặt với bài toán khó để sở hữu nhà ở của riêng mình. Ảnh: Như Hạ
Giá nhà vượt khả năng tích lũy
Nguyễn Thị Hằng (28 tuổi) - nhân viên kế toán tại một công ty logistics ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - vẫn đang sống cùng chồng trong căn phòng trọ 30m2 tại ngõ nhỏ quận Nam Từ Liêm. Dù cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định với tổng thu nhập gần 25 triệu đồng/tháng, nhưng sau gần 6 năm tích góp, họ vẫn chưa thể mua nổi một căn hộ thương mại ở Hà Nội.
“Giờ chỉ còn hy vọng vào nhà ở xã hội. Tôi có đọc thông tin một vài dự án chuẩn bị triển khai ở ngoại thành, nếu may mắn được xét duyệt, vợ chồng tôi có thể mua được căn hộ khoảng 70m2 với giá dưới 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng dự án ít, cạnh tranh rất cao nên khả năng gia đình tôi mua được là rất thấp”, chị Hằng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, phần lớn người trẻ ở độ tuổi dưới 35 mới chỉ có khoảng 10 năm đi làm - một khoảng thời gian chưa đủ dài để tích lũy đủ tài chính cho khoản đầu tư bất động sản lớn. Trong khi đó, giá nhà tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tăng chóng mặt trong 10 năm qua, vượt xa tốc độ tăng thu nhập của người lao động.
Bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills TP Hồ Chí Minh - cho biết, giá sơ cấp căn hộ tại TP Hồ Chí Minh trong quý IV/2024 đã tăng 33% theo năm, trong khi tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của lao động trên cả nước theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê vào năm 2024 chỉ ở mức 8,6%.
Việc sở hữu căn hộ tầm trung giờ đây trở nên khó khăn với thu nhập phổ thông của một cặp vợ chồng trẻ nếu họ không có sự hỗ trợ từ gia đình hay các gói tín dụng phù hợp. Không ít người phải lựa chọn thuê trọ lâu dài hoặc chấp nhận sống chung nhiều thế hệ để giảm áp lực tài chính.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng cần có những chính sách tín dụng đặc thù, phù hợp với người mua nhà lần đầu, đặc biệt là người trẻ. Theo bà Hương, các gói vay nên kéo dài từ 20 - 30 năm, tương đương với cả chu kỳ lao động của người vay để giúp họ giảm bớt gánh nặng trả nợ hàng tháng.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo người trẻ không nên mạo hiểm với khoản vay quá sức. Một khoản trả góp ổn định khoảng 1/3 thu nhập sẽ khả thi hơn rất nhiều so với mức một nửa thu nhập trở lên - ngưỡng đang khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy "đuối sức". Với bối cảnh hiện nay, mức vay an toàn nên cân nhắc là tối đa 50% giá trị bất động sản - mức có thể giảm thiểu rủi ro tài chính và tâm lý trong dài hạn.
Kỳ vọng từ chính sách nhà ở xã hội và hạ tầng đô thị
Hiện nay, người trẻ và người có thu nhập thấp hoàn toàn có thể kỳ vọng hoàn thành ước mơ sở hữu nhà ở với những thông tin tích cực từ chính sách nhà ở từ Chính phủ cũng như các dự án hạ tầng đô thị đang được gấp rút triển khai.
Bà Hương đánh giá: “Những thay đổi tích cực từ hệ thống pháp luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở hay Luật Kinh doanh Bất động sản đã góp phần khơi thông dòng chảy đầu tư vào nhà ở xã hội và nhà ở giá vừa túi tiền. Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là một kỳ vọng rất lớn nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng”.
Trong khi đó, đầu tư hạ tầng đô thị, điển hình như là các tuyến Metro tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đang mở ra cơ hội giãn dân khỏi vùng lõi thành phố, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vùng ven với chi phí hợp lý và di chuyển thuận tiện, nhu cầu nhà ở cũng sẽ được san sẻ.
Tuy nhiên, các gói hỗ trợ tài chính để sở hữu nhà không nên dừng lại ở người trẻ dưới 35 tuổi. Theo bà Hương, hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn dè dặt với người vay trên 45 tuổi thu nhập không cao bởi thời gian làm việc còn lại ngắn, thu nhập có thể giảm kèm theo nhiều rủi ro tín dụng.
Tuy nhiên, xét trên góc độ an sinh xã hội, nhu cầu nhà ở không phân biệt tuổi tác, các chính sách hỗ trợ tín dụng cần được thiết kế đa tầng, linh hoạt theo từng nhóm tuổi, hoàn cảnh và khả năng tài chính để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội an cư.
Gói tín dụng mua nhà cho người trẻ không chỉ là một giải pháp tài chính, mà còn là "chìa khóa" để giải bài toán an cư và ổn định xã hội trong dài hạn. Để có thể thực hiện sẽ cần sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp.
kinhtedothi